Thứ năm, 02/05/2024
(Thứ sáu, 12/05/2023, 11:07 am GMT+7)

      Trong những năm qua, hoạt động khủng bố trên thế giới diễn biến phức tạp và không ngừng gia tăng cả về số vụ, quy mô, phương thức và tính chất nguy hiểm, đe dọa tới an ninh của nhiều quốc gia. Ở trong nước, đã xảy ra một số vụ khủng bố tại một số cơ quan nhà nước và một số vụ đe dọa tấn công khủng bố nhằm vào các cơ quan đại diện, doanh nghiệp, công dân nước ngoài tại Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số địa phương; nhiều người dân bị các đối tượng, nhóm đối tượng đi đòi nợ, đòi nợ thuê đe dọa “khủng bố” bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau như: gọi điện thoại “khủng bố”, mở “nhạc đám ma”, mang quan tài đến đặt trước cửa nhà nạn nhân… từ đó gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân, tác động, ảnh hưởng xấu tới tình hình ANTT. Để giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác hành vi có dấu hiệu liên quan tội phạm khủng bố, Công an tỉnh đưa ra một số dấu hiệu cụ thể như sau:

      1. Nhận thức về hành vi Khủng bố

      Căn cứ Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố quy định: Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:

      (a) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm

tính mạng, uy hiếp tinh thần người khác;

      (b) Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

      (c) Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

      (d) Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c; 

      (đ) Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tuợng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d;

      (e) Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

      2. Các quy định của pháp luật hình sự liên quan đến tội khủng bố

      - Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định 3 tội danh liên quan đến khủng bố, gồm: Tội khủng bố nằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113), Tội khủng bố (Điều 299), Tội tài trợ khủng bố (Điều 300).

      Hành vi khủng bố có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau nhưng thường dưới các dạng như: Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; gây cháy, nổ, gửi “bom thư”, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí sinh học; ám sát, bắt giữ con tin; gọi điện thoại, gửi tin nhắn, hình ảnh hoặc bằng các hành vi khác đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

      Hành vi khủng bố được thực hiện với động cơ, mục đích nhằm gây ra tình trạng “hoảng loạn”, “hoảng sợ” trong công chúng, gây tâm lý lo lắng, sợ hãi, hoang mang của người dân về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích khác của họ; thường được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người (ví dụ: quảng trường, trung tâm thương mại, bến xe, các nơi vui chơi giải trí…) nhưng cũng có thể được thực hiện ở những địa điểm có tính biệt lập, không phải nơi công cộng (ví dụ: tại nhà riêng, trụ sở cơ quan…).

      - Tội khủng bố và Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có một số điểm giống và khác nhau, trong đó, đối với Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân thì người thực hiện hành vi khủng bố phải có một trong hai mục đích là nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

      3. Một số dấu hiệu cấu thành tội khủng bố và hình thức xử lý

      1. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng không nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố mà tùy từng trường hợp cụ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.

      2. Trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, nếu gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo quy định tại Điều 113 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

      3. Trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thông qua hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bạo loạn quy định tại Điều 112 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này.

      4. Trường hợp người thực hiện một trong các hành vi xâm phạm tính mạng, đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần; xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của người khác, nhưng không nhằm gây sự hoảng sợ trong công chúng, không nhằm chống chính quyền nhân dân thì tùy từng trường hợp cụ thể, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại Bộ luật Hình sự như: tội giết người (Điều 123), tội đe dọa giết người (Điều 133), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134), tội bắt giữ hoặc giam giữ người trái pháp luật (Điều 157) nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng.

      5. Trường hợp người thực hiện hành vi phá hủy tài sản, nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân và tài sản bị phá hủy là cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 114 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

      6. Trường hợp người thực hiện hành vi phá hủy tài sản, nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, không có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân, nhưng tài sản đó là công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, hoặc tài sản là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

      7. Trường hợp nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà thực hiện hành vi chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Nếu chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy nhưng không có mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy theo quy định tại Điều 282 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

      8. Trường hợp người thực hiện một trong các hành vi chiếm giữ tài sản, làm hư hại tài sản, nếu không nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 của Bộ luật Hình sự hoặc tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm đó.

      9. Trường hợp nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà bịa đặt, cố ý loan truyền thông tin giả về khủng bố (ví dụ: bịa đặt, cố ý loan truyền tin giả có chất nổ, bom trên tàu bay, tàu hỏa, về dịch bệnh nguy hiểm…) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo Điều 299 của Bộ luật Hình sự mà tùy từng trường hợp cụ thể sẽ bị xử lý theo quy định khác của pháp luật.

     10. Trường hợp người huy động, hỗ trợ tiền, tài sản không nhằm giúp sức cho việc thực hiện các hành vi khủng bố cụ thể thì bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội tài trợ khủng bố quy định tại Điều 300 của Bộ luật Hình sự.

      11. Trường hợp huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố nhằm giúp sức cho việc chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện một hoặc một số vụ khủng bố cụ thể thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 113 hoặc tội khủng bố quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự với vai trò là đồng phạm nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm đó.

      12. Trường hợp người phạm tội không biết trước, mà huy động, hỗ trợ tiền, tài sản để giúp cá nhân khủng bố bỏ trốn sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che dấu tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

Đội CPĐ&CKB, Phòng An ninh nội địa!

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp