Thứ sáu, 03/05/2024
(Thứ tư, 06/12/2023, 10:38 am GMT+7)

Thời gian gần đây, trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng, xảy ra một số vụ cháy tại doanh nghiệp và khu công nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình là vụ cháy vào hồi 23 giờ 30 phút ngày 26/10/2023 xảy ra cháy khu vực lán trại nghỉ an giữa ca (nhà tạm) dành cho công nhân và nơi tập kết vật liệu xây dựng dự án nhà máy Công ty TNHH Fuyu tại KCN Quang Châu, huyện Việt Yên gây thiệt hại làm 01 người thiệt mạng và toàn bộ 4 nhà tạm để ở diện tích khoảng 1.600m2 và tài sản khác.

Dự báo trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thu hút nhiều nguồn vốn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nên sẽ có nhiều dự án, công trình lớn sẽ được thi công, xây dựng, dẫn đến gia tăng nguy cơ xảy ra mất an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các khu vực lán trại, công trình tạm.

Ảnh. Hiện trường vụ cháy lán trại công nhân tại KCN Quang Châu, Việt Yên (đêm 26/10/2023)

Để phòng ngừa không để xảy ra cháy nổ và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Công an tỉnh Bắc Giang khuyến cáo các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại các khu vực lán trại, công trình tạm như sau:

1. Chủ đầu tư và đơn vị nhà thầu thi công chấp hành nghiêm các quy định trong quá trình xây dựng. Ban hành, niêm yết nội quy về phòng cháy, chữa cháy, biển chỉ dẫn thoát nạn; quy định về phân công trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của người được phân công làm nhiệm vụ PCCC; việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt, trang bị thiết bị chữa cháy ban đầu phù hợp với tính chất, đặc điểm xây dựng của công trình xây dựng.

2. Về Giao thông phục vụ chữa cháy: Phải bảo đảm tiêu chí khi có sự cố cháy, nổ xảy ra lực lượng và phương tiện PCCC có thể tiếp cận dễ dàng đến công trình để dễ dàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Về bố trí công năng: Đối với các khu vực có các chất rắn, lỏng, khí dễ cháy thì phải bố trí ở các kho riêng, đảm bảo khoảng cách an toàn, có biện pháp thông gió, chống sét, chống tĩnh điện, có biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc... Không cất giữ các vật liệu dễ cháy tại các khu vực ở, khu vực làm việc, các chất này phải được đựng trong thùng kín và để ở nơi đảm bảo an toàn cháy.

4. Lối thoát nạn: Phải niêm yết sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phù hợp với mặt bằng các khu vực; biển cấm, biển báo, nội quy an toàn PCCC và CNCH ở khu vực có nguy hiểm về cháy, nổ, dễ xảy ra sự cố tai nạn. Duy trì đảm bảo thông thoáng trong mọi thời điểm. Phải lắp đặt các biển chỉ dẫn, biển báo chỉ rõ hướng thoát nạn khi xảy ra cháy. Phải có biển báo được đặt ở nơi dễ thấy và ghi rõ: Vị trí phát động khi có cháy (chuông báo cháy, kẻng) gần nhất; số diện thoại hoặc phương tiện liên lạc khác, địa chỉ cụ thể của các đơn vị cứu hộ tại công trường và đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH gần nhất.

5. Về trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy (tham khảo TCVN 3890:2023 để khuyến cáo chủ đầu tư và các đơn vị thi công trang bị): Trang bị bình chữa cháy tại các khu vực, hạng mục có nguy hiểm về cháy; các dụng cụ chữa cháy thô sơ như xẻng, bể nước, thùng cát, chăn chiên. tại các khu vực có chất cháy rắn, lỏng, khí, hệ thống cấp nước (tùy vào quy mô, tính chất, sử dụng nguồn nước thi công để phục vụ chữa cháy).

6. Khi thi công hàn cắt kim loại phải tuân thủ đúng quy trình, quy định của QCVN 18/BXD và hướng dẫn 3195/C07-P3 ngày 07/10/2019 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an./.

Chu Bằng - CAHH

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp