Thứ hai, 29/04/2024
(Thứ ba, 05/03/2024, 09:38 am GMT+7)

      Thời gian qua, các thế lực thù địch, tổ chức, cá nhân phản động đã và đang triệt để lợi dụng các tiện ích của mạng xã hội để đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, một trong các thủ đoạn hết sức tinh vi là chúng tạo lập các hội, nhóm với tên gọi hết sức tò mò, giật gân để thu hút người theo dõi, qua đó tác động tư tưởng, lôi kéo người tham gia bằng những bài viết, hình ảnh, video có nội dung độc hại nhằm mục đích tuyên truyền phá hoại tư tưởng, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chính trị đối lập, thúc đẩy âm mưu diễn biến hòa bình trên đất nước ta.

      Các hội, nhóm này thường được tạo lập trên danh nghĩa phản biện xã hội, đấu tranh vì dân chủ nhân quyền, xây dựng xã hội dân sự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hoạt động từ thiện như “Trại Cháu Bác Hồ”, “Hội phòng chống tham nhũng”, “Bàn luận về kinh tế, chính trị, xã hội”, “Quyết Tâm Làm Trong Sạch Đội Ngũ”, “Bảo vệ biển, đảo Việt Nam”... Thế nhưng, thực chất bên trong lại là những bài viết phản động, chống đối. Để tạo dựng lòng tin, chúng đăng tải nhiều nội dung với những chi tiết thật, giả đan xen, khiến người đọc khó phân biệt. Chúng thường lợi dụng các vấn đề, vụ việc nổi bật, được dư luận quan tâm, nhưng không đưa thông tin một cách rõ ràng mà thường lập lờ để dư luận tự phán xét, bày tỏ thái độ, quan điểm, nếu người đọc không tỉnh táo, rất dễ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và hành vi sai trái.

      Để lôi kéo thành viên tham gia, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn như tạo các facebook “trắng” (không liên quan đến chính trị) để xâm nhập vào các nhóm có liên quan đến nhiều lĩnh vực của xã hội như hội đồng hương, kinh doanh, lái xe, hội khóa, lớp, thâm nhập vào các điểm nóng khiếu kiện để chia sẻ bài viết tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoặc kêu gọi thành lập nhóm dân oan…; sử dụng dịch vụ quảng cáo của các nhà mạng để làm tăng lượng tương tác, theo dõi, thu hút thành viên tham gia; đặt tên hội, nhóm đẹp, có ý nghĩa, thân thiện hoặc giả mạo các cơ quan chức năng; đăng tải, chia sẻ lồng ghép nhiều bài viết có nội dung tích cực xen lẫn tiêu cực trong nhóm. Đối tượng chúng nhắm tới thường là thanh niên, sinh viên, công nhân lao động, vì nhóm đối tượng này chiếm tỉ lệ đông, thường xuyên sử dụng mạng xã hội, có tâm lý bất ổn, dễ bị kích động tham gia vào các cuộc tranh cãi trên không gian mạng.

      Thực tế công tác đấu tranh của Công an tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua cho thấy, có rất nhiều quần chúng nhân dân, thậm chí có một bộ phận cán bộ, đảng viên do nhận thức không đầy đủ, mơ hồ, ngộ nhận, lầm tưởng các hội, nhóm này là của những người yêu nước, đoàn kết Nhân dân, bảo vệ Tổ quốc nên đã không suy xét cẩn trọng, vô tư tham gia; một số trường hợp quá trình tham gia hội, nhóm phản động đã bị tiêm nhiễm, tác động, ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực, xấu độc từ đó nảy sinh tư tưởng bất mãn, cổ súy cho hành vi chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù đich, phản động.

      Vì vậy, mỗi người dân khi sử dụng mạng Internet cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo để theo dõi, thu nhận những thông tin hữu ích, tránh bị lôi kéo vào các hội, nhóm của các tổ chức, cá nhân phản động hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Thường xuyên rà soát, để chủ động thoát ra khỏi các hội, nhóm do đối tượng phản động, chống đối tạo lập, điều hành, đồng thời khi phát giác ra những hội, nhóm này hãy tố cáo đến các cơ quan chức năng và cộng đồng mạng để giúp cho mọi người nêu cao ý thức cảnh giác, không để chúng lợi dụng, tuyên truyền tư tưởng, nội dung độc hại trên không gian mạng hiện nay./.

Đội CPĐ&CKB, Phòng An ninh nội địa!

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp