Thứ hai, 29/04/2024
(Thứ tư, 31/01/2024, 04:28 pm GMT+7)

Diễn tập phương án chữa cháy tại Công ty TNHH công nghệ chính xác FUYU thuộc Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, huyện Việt Yên

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 07 đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) chuyên ngành, 04 đội hoạt động theo chế độ chuyên trách và 03 đội hoạt động theo chế độ không chuyên trách. Trong đó: 01 đội tại KCN Vân Trung, 01 đội tại KCN Quang Châu, 01 đội tại KCN Song Khê - Nội Hoàng, 01 đội tại KCN Hòa Phú, 01 đội tại Công ty nhiệt điện Sơn Động - TKV, 01 đội tại Công ty cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc, 01 đội tại Nhà máy giấy Xương Giang - Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bắc Giang; với tổng số 178 đội viên. Trong thời gian qua lực lượng PCCC chuyên ngành đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng ngừa, xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; tích cực tham gia hỗ trợ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong thực hiện công tác PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua theo dõi việc thành lập và tổ chức hoạt động của các đội PCCC chuyên ngành có nơi còn hạn chế, bất cập, đặc biệt trong cơ chế vận hành, tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH, chế độ chính sách cho các đội viên còn chưa thỏa đáng dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao; việc kịp thời phát hiện, xử lý ban đầu đối với các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn có mặt còn hạn chế.

Diễn tập phương án chữa cháy tại Công ty TNHH công nghệ chính xác FUYU thuộc Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, huyện Việt Yên

Nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong việc thành lập và tổ chức các hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành: Nhận thức của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở phải thành lập đội PCCC chuyên ngành còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đúng mức tới hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành, dẫn đến việc chưa thành lập đội PCCC chuyên ngành đầy đủ hoặc có thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả, mang tính hình thức; nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC thiếu hoặc không có dẫn đến hiệu quả, chất lượng hoạt động lực lượng PCCC chuyên ngành chưa cao; chế độ chính sách cho các đội PCCC chuyên ngành chưa được đảm bảo; thiếu kinh phí đầu tư mua sắm các trang bị phương tiện PCCC.

Đội viên đội PCCC chuyên ngành thực hành sử dụng bình chữa cháy

Giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập trong việc thành lập và tổ chức các hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành: Cấp ủy, chính quyền các cấp; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy. Tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm việc thành lập, bổ sung, kiện toàn và duy trì tổ chức, hoạt động của đội PCCC chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng cơ chế tổ chức thường trực, ứng trực xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn đối với đội PCCC chuyên ngành hoạt động theo chế độ không chuyên trách. Đồng thời, tổ chức rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền yêu cầu người đứng đầu các cơ sở thuộc diện theo quy định tại Điều 31, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ triển khai thành lập ngay đội PCCC chuyên ngành theo quy định. Chủ đầu tư các dự án, các cơ sở thành lập mới chấp hành nghiêm việc thành lập đội PCCC chuyên ngành, đảm bảo trang bị đầy đủ phương tiện cho các lực lượng này theo Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an. Tăng cường tổ chức huấn luyện kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH đối với lực lượng PCCC chuyên ngành, nâng cao nhận thức, kỹ năng trong xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra./.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp