Thứ ba, 18/06/2024
(Thứ hai, 03/06/2024, 02:04 pm GMT+7)

Những ngày qua trên hành trình bộ hành của Lê Anh Tú (hay còn gọi Thích Minh Tuệ), đã gây ra những hình ảnh xấu, những hành vi gây nhiễu loạn trong xã hội, dẫn đến những cuồng tín và u mê.

Từ những hình ảnh xấu

Gần đây, trên các trang mạng xã hội được livestream trực tiếp có rất nhiều hình ảnh về người bộ hành Thích Minh Tuệ, theo sau ông là cả một “đoàn sư” không rõ lai lịch từ đâu và càng ngày càng đông, càng dài, giống như một đoàn rước đông người. Mỗi khi bước chân của “đoàn sư” đi qua thì xe cộ đứng lại, mọi phương tiện giao thông ùn ứ hàng km, phiền toái, cản trở công việc, làm ăn, buôn bán, đi lại của người dân, thậm chí xe cấp cứu mặc dù hú còi xin đường nhưng đành … bó tay.

Đoàn người đi theo ông Thích Minh Tuệ khi vào địa phận Thừa Thiên Huế (ảnh sưu tầm)

Điều đáng nói, những người “bu bám” theo ông Thích Minh Tuệ lại ngang nhiên vi phạm pháp luật như không mang giấy tờ tùy thân, không khai báo tạm trú, gây cản trở giao thông; những nơi họ đi qua, nghỉ ngơi tràn đầy rác, thậm chí phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh  đã làm phiền muộn cho rất nhiều người.

Sau khi ăn uống, những người theo xả rác ở các điểm công cộng (ảnh sưu tầm)

Đến những hành vi gây nhiễu loạn

Liên tục trên mạng xã hội là hình ảnh đám người điên cuồng đeo bám, điên cuồng quay chụp, câu view bất chấp. Ngay cả những người quay phim và những người tự gọi là “hộ pháp” cũng đã xảy ra xô đẩy, to tiếng. Mâu thuẫn đỉnh điểm khiến ông Minh Tuệ đã phải dừng lại, kêu tất cả những Youtuber, Tiktoker và người dân đến bên cạnh và nói một cách đanh thép: 'Người tu cũng có công việc riêng của họ, họ ngồi thiền, họ tu hành, họ làm việc riêng tư chứ đâu làm thế này..., đâu phải diễn viên điện ảnh đâu, không phải Hollywood, không phải chiếu phim. Nên là mình về, công việc của mình. Không ai đi theo nữa. Con nói rồi, con nói như thế đấy!'. Sau đó, ông lại cùng những người đồng tu tiếp tục rẽ vào trong một ngọn núi, nghỉ trưa và “chạy trốn” đám đông này. Rất tiếc, cho đến tận hôm nay, đoàn người vẫn không chịu buông tha người bộ hành.

Ông Lương Thanh S nhập viện cấp cứu tình trạng cơ thể tím tái, hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn hô hấp (ảnh sưu tầm)

Và sự việc một người đàn ông 47 tuổi qua đời vì sốc nhiệt, tai biến mạch máu não sau 3 ngày đi bộ dưới nắng nóng cùng ông Thích Minh Tuệ càng dấy lên nhiều lo ngại về việc mất an ninh trật tự.

Chắc chắn trong số đoàn đông người trên, nhiều người đi theo không phải vì yêu mến gì Minh Tuệ mà chủ yếu để quay video, livestream trên mạng. Thay cho sự kính ngưỡng với bậc chân tu, lực lượng sản xuất nội dung trên mạng xã hội đã coi ông Minh Tuệ là 'con mồi” và điên cuồng khai thác để kiếm lợi. Họ muốn là người nắm bắt thông tin nhanh nhất trên mạng xã hội với mục đích muốn lôi kéo người dùng mạng. Vậy nên cuộc đua 'câu' lượt tương tác ăn theo hiện tượng Thích Minh Tuệ đang ngày càng trở nên khốc liệt, bất chấp. Nếu không chặn đứng được cơn say view của những người đi theo sản xuất, đăng tải clip về ông Minh Tuệ, những hệ luỵ đã nêu trên sẽ ngày càng lớn đến mức nguy hiểm.

Thật khó để nhìn được ông Minh Tuệ khi ông bị 'bao vây' bởi đám đông Youtuber, Tiktoker suốt cả ngày (ảnh sưu tầm)

Theo ước tính Tiktok sẽ trả 0.02 USD – 0.04 USD cho 1.000 lượt xem/video. Như vậy với mỗi video đạt 1 triệu view, nhà sáng tạo sẽ nhận được khoảng 20 USD – 40 USD. Đối với các tài khoản YouTube sẽ được nhận thù lao từ 0.3 – 0.5 USD cho mỗi 1000 lượt xem (1CPM). Nếu tính trung bình một lượt xem sẽ dao động từ 0.0003 đến 0.0005 USD. Vậy nếu video đạt 1 triệu view thì các nhà sáng tạo nội dung Việt sẽ nhận được khoản thù lao trung bình khoảng 7 triệu đồng.

Có hay không việc cuồng tín và u mê?

Phát ngôn trên các video, nhiều người không ngại phong thánh cho Minh Tuệ, thậm chí không ngần ngại gọi ông là “Phật sống”, trong khi chính ông vẫn luôn lặp lại rằng, ông chỉ đang đi tập học, “chưa có cái gì hết”. Ông cũng nói với mọi người rằng đừng có đi theo nữa vì người tu cần phải có thời gian để tu tập, thiền định; cũng đừng có đảnh lễ vì ông chỉ đang học chứ chưa có chứng ngộ gì cả. Ông nói rằng ông không giảng pháp cũng không nhận đệ tử, chỉ khi nào giác ngộ ông mới làm những việc ấy. Thậm chí trong 1 clip trên mạng xã hội xuất hiện gần đây nhất ngày 02/6 đã khẳng định trong Phật lịch Phật giáo Hòa Hảo từ 200 năm trước nói rất rõ ràng sẽ có một vị Phật xuất hiện ở Việt Nam, và tên là Minh Tuệ. Không biết những người trong clip có biết Giáo Chủ Phật Giáo Hoà Hảo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939 tại Thất Sơn An Giang, Nam Kỳ, tính đến nay mới có hơn 80 năm thì lấy đâu ra kinh sách từ 200 năm trước.

2 người phụ nữ ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) do sốc nhiệt dẫn đến mệt và nằm xuống mặt đường (ảnh sưu tầm)

Nếu chúng ta biết chút ít về con đường tu tập đến giác ngộ của các hành giả Phật giáo, ta sẽ thấy nó khó hơn mọi thứ trên đời này. Như trong kinh sách miêu tả, để đạt được sự giác ngộ, hành giả phải trải qua 9 tầng thiền, từ Tứ thiền bát định bao gồm 4 thiền và 4 định thuộc Vô sắc giới, dẫn đến định thứ 9 là Diệt tận định. Như vậy, từ Sơ thiền đến Diệt tận định, đòi hỏi một sự tập trung lâu dài, tư duy và minh sát cao độ. Giữ giới hay tu hạnh đầu đà mà ông Thích Minh Tuệ đang thực hiện mới là bước chuẩn bị về thân và tâm để thực hiện tiếp các phương pháp hành trì. Việc tôn ông lên thành thánh, thành Phật là một nhận thức rất sai lầm.

Lợi dụng phá hoại

Bên cạnh đó từ vụ việc “Thích Minh Tuệ” đã xuất hiện, những tư tưởng, mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta về chính sách tôn giáo. Sau khi có thông tin cán bộ tại một địa phương ngăn cản đám đông bộ hành gây lộn xộn tại một nghĩa trang, thì trang fanpage phản động “Việt Tân” đã giật tiêu đề “chính quyền không cho thầy Minh Tuệ dừng chân qua đêm”, kích động nhiều bình luận chống phá.

Đoàn người bám theo ông Thích Minh Tuệ đi trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa phận Thừa Thiên Huế (ảnh sưu tầm)

Bên cạnh đó, các đối tượng cơ hội chính trị cũng nhân dịp này “té nước theo mưa”, cho rằng ông Minh Tuệ trùng khớp với 'hình mẫu' của một vị tu sĩ mà nhân dân đang khao khát nên người ta theo ông và ông Minh Tuệ đã xuất hiện như một phép thử, như một hồi chuông cảnh báo để nói lên nhiều điều trong xã hội ngày nay. Khi đám đông quây quanh “sư thầy đi bộ” gây lộn xộn và cơ quan chức năng phải can thiệp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông thì chúng rêu rao “Công an cản trở nhà sư hành đạo”. Thậm chí bài xích Giáo hội Phật giáo Việt Nam, so sánh thiếu thiện chí giữa “nhà sư đi bộ” với hàng chục nghìn tăng, ni “đang hưởng lạc trong chùa to, cổng kín,” coi khổ hạnh là chánh pháp, là pháp tu duy nhất đúng.

Thay cho lời kết

Thiết nghĩ, việc người dân bày tỏ lòng kính trọng, chào đón, chiêm bái một con người hướng Phật có nghị lực khác thường như ông Thích Minh Tuệ là chuyện đáng mừng. Việc bộ hành khất thực đầu trần, chân đất trên những nẻo đường từ  Bắc vào Nam, không quản mưa gió, nắng thiêu chỉ xin đủ ăn một bữa, nơi ở gốc cây, hang đá không nhà cửa, chùa tự như ông Minh Tuệ đã thực là điều đáng quý. Sáu năm trôi qua, ông Minh Tuệ vẫn vậy. Vẫn là bàn chân chai sạn, làn da rám nắng, thân hình gầy nhỏ, vẫn là tấm y được ghép từ những mảnh vải vụn của trăm nhà, vẫn một lòng hướng thiện tu hành… Có hay chăng, thứ thay đổi lớn chính là đoàn người đằng đẵng theo ông chẳng hề có dấu hiệu sẽ dừng chân này. Và chính ông Minh Tuệ cũng không hiểu sao, từng bước đi của mình ngày hôm nay đều gây ra nhiều sự nhiễu loạn. “Nhiễu loạn” không phải bởi chính bản thân ông mà là bởi những dòng người kéo theo dù ông đang ở bất cứ đâu. Họ biến từng nơi ông đi qua thành một sàn diễn, ông Tuệ đi giữa, xung quanh là những camera hướng thẳng về phía mình.

Hình ảnh sư Thích Minh Tuệ bộ hành (ảnh sưu tầm)

Nên 'đi theo' sư Minh Tuệ bằng việc tránh ác làm thiện, hướng tinh thần mình về các giá trị văn minh, sống trong sự phản tỉnh để sửa đổi bản thân. Đó sẽ là cách thể hiện lòng tôn trọng và sự hộ pháp có ý nghĩa nhất mà mỗi người có thể làm.

Và quan trọng hơn, có lẽ nên để yên cho ông ấy tu hành, đừng săn đón, săn lùng để đưa lên mạng. Nên bảo vệ những người như ông bằng cách bớt quấy rầy và bớt tung hô. Và tốt hơn hết là lặng lẽ học ở ông những điều tốt đẹp phù hợp với cuộc sống của bản thân.

Hy vọng rằng, những người đệ tử Phật nói riêng, và những người yêu kính các giá trị thiện đức nói chung vẫn luôn tin tưởng rằng, dù theo phương pháp tu tập nào, thì những người có đạo tâm kiên cố và tấm lòng thiết tha với đạo pháp, đang ngày đêm học hỏi, tu tập theo chánh pháp Phật, thanh tịnh thân tâm mình và làm lợi lạc cho đời, đều xứng đáng là những bậc “sứ giả của Như Lai”.  

Lê Thành Văn

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp