Chủ nhật, 28/04/2024
(Thứ tư, 06/03/2024, 08:33 am GMT+7)

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hàng chục hồ lớn, người dân sử dụng thuyền để di chuyển, đánh bắt thủy sản, vận chuyển hàng hóa; cùng đó, một số hồ có cảnh quan đẹp thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, giao thông đường thủy ở những hồ này tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn. 

Trên địa bàn tỉnh có hàng chục hồ chứa nước lớn (dung tích từ 3 triệu m3 đến 1 tỷ m3 hoặc chiều cao đập từ 15 m trở lên) gồm: Khuôn Thần, Làng Thum, Đồng Cốc, Trại Muối, Khuôn Vố, Đá Mài, Khe Sàng, Hàm Rồng, Dộc Bầu, Lòng Thuyền (Lục Ngạn); Cây Đa, Suối Mỡ, Khe Cát, Khoanh Song, Suối Nứa (Lục Nam); Khe Hắng, Khe Chão, Khe Đặng (Sơn Động); Đá Ong, Cầu Rễ, Suối Cấy, Cầu Cài, Quỳnh (Yên Thế). Hồ chứa nước loại vừa có 17 công trình và loại nhỏ có 233 công trình. Những hồ này đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, đời sống của người dân. Nhiều người dân đi lại bằng thuyền (lắp động cơ hoặc chèo tay), không ít gia đình đánh bắt thủy sản, vận chuyển nông sản trên mặt nước.

Công an huyện Lục Ngạn tuyên truyền người dân xã Sơn Hải sử dụng áo phao khi tham gia giao thông.

 

Hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) có diện tích lớn nằm trên địa bàn các xã Sơn Hải, Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp. Nơi đây đồng thời là điểm du lịch nổi tiếng, hằng năm đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan bằng tàu, thuyền. Bình thường mặt hồ rộng khoảng 2.600 ha nhưng đến mùa mưa, nước dâng cao có thể rộng tới 3.000 ha. Chiều dài hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200 m, nơi sâu nhất 47,5 m. Khảo sát gần đây cho thấy, các xã xung quanh hồ có gần 200 thuyền máy, vỏ thép để chở hàng hóa và người. 

Số thuyền tôn, dùng sức người để chèo thì chưa có số liệu thống kê vì quá nhiều. Những thuyền máy này có sức chở từ vài tạ đến hàng tấn hàng hoặc vài chục người. Hằng ngày hoạt động ngang dọc trên mặt hồ mênh mông nhưng đáng lo ngại là hầu hết phương tiện thủy không được đăng ký, đăng kiểm, chủ phương tiện không có bằng lái tàu thuyền hoặc chứng chỉ do cơ quan chức năng cấp. Nhiều người khi đi trên thuyền không mặc áo phao, trên thuyền không có phao cứu sinh hoặc có nhưng lại cất trong khoang, nếu xảy ra tình huống nguy hiểm, tai nạn rất dễ dẫn đến đuối nước.

Xã Sơn Hải có gần 70 phương tiện thủy hoạt động, trong đó có 18 thuyền của Hợp tác xã Du lịch Cấm Sơn đã được đăng ký, còn lại là thuyền dân sinh không đăng ký, đăng kiểm và chủ phương tiện cũng không có bằng lái. Trò chuyện với một số người dân đánh bắt thủy sản trên hồ thấy rõ sự chủ quan này. 

Anh V.V.K (SN 1985) ở thôn Tam Chẽ, xã Sơn Hải đang thả lưới bắt cá nhưng không mặc áo phao, trên thuyền cũng không có phao nói: “Gia đình tôi mua chiếc thuyền để đi lại trên hồ hoặc đánh cá, vận chuyển nông sản, hoa quả. Vì biết bơi và đi quen rồi nên tôi rất ít khi mặc áo phao tuy biết là nguy hiểm”. Cũng đang quây lưới bắt cá, anh N.V.C cùng thôn Tam Chẽ cho hay, vì bận nhiều việc nên không để ý đến nội dung tuyên truyền phòng, chống tai nạn giao thông đường thủy dù trong các cuộc họp thôn, hệ thống loa truyền thanh, cán bộ địa phương thường xuyên nhắc nhở.

Trao đổi với Thiếu tá Đỗ Văn Khu, Trưởng Công an xã Sơn Hải được biết, các thuyền của người dân đều tự đóng, vì thế các tiêu chuẩn kỹ thuật khó có thể bảo đảm. Khó khăn trong việc quản lý là khi vận động chủ phương tiện, người điều khiển thuyền đi học để được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, đa số đều từ chối vì sợ mất thời gian, chi phí tốn kém, không có nhu cầu… Thực trạng này cũng diễn ra ở các xã Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp, số người được cấp chứng chỉ điều khiển thuyền chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì thế, một vài năm trước đã từng xảy ra các vụ đuối nước đối với người dân khi hành nghề chài lưới và khách từ nơi khác đến tắm trên hồ.

Ghi nhận ở hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao (Lục Ngạn); hồ Quỳnh, xã Canh Nậu và xã Tam Tiến (Yên Thế); hồ Suối Nứa (Lục Nam)… các phương tiện thủy, thuyền dân sinh cũng có tình trạng tương tự. Chị N.T.M ở xã Canh Nậu phản ánh: “Tuy chỉ là những thuyền nhỏ, sức chở thấp nhưng những thuyền hoạt động trên hồ đều có người ở trên, nếu không có phao, dụng cụ cứu sinh thì nguy cơ tai nạn dẫn đến thiệt hại về người và tài sản có thể đến bất cứ lúc nào. Tôi mong rằng mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của chính mình và người khác”.

Để phòng ngừa tai nạn giao thông ở các hồ, Thượng úy Thăng Văn Hải, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Lục Ngạn cho biết: “Lực lượng công an phối hợp với chính quyền các xã có hồ thường xuyên phổ biến các quy định khi tham gia giao thông đường thủy nội địa; tổ chức cho các chủ phương tiện, người điều khiển ký cam kết về bảo đảm an toàn. Tuyên truyền đến người dân các xã vùng hồ thực hiện tốt cuộc vận động: “Người đi đò mặc áo phao” cùng với những thông điệp: “Có phao cứu sinh thì mình sang hồ”, “Phao cứu sinh bảo vệ chính mình”... Qua đó, giúp mỗi người dân là một tuyên truyền viên tích cực, chấp hành quy định ATGT đường thủy và phòng, chống đuối nước, nhất là đối với trẻ em, học sinh”.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tăng cường hướng dẫn công an các địa phương về quản lý hoạt động, điều kiện an toàn đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Theo Thượng tá Đào Xuân Hưởng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, thời gian tới, Phòng tăng cường kiểm tra, yêu cầu các địa phương phối hợp với ngành Giao thông - vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh mở các lớp tập huấn kỹ năng lái thuyền; tạo điều kiện để người dân đăng kiểm, đăng ký phương tiện nếu đủ điều kiện. 

Huy động trang bị áo phao, dụng cụ nổi trên các phương tiện thủy hoạt động trong vùng lòng hồ. Kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, bảo đảm cho người tham gia giao thông được an toàn.

Theo báo Bắc Giang

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp