Thứ bảy, 04/05/2024
(Thứ ba, 02/04/2024, 04:56 pm GMT+7)

Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 với 10 điểm mới, giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ nhất, chính thức đổi tên Căn cước công dân (CCCD) thành Căn cước (Điều 3).

Thứ hai, về giá trị sử dụng của thẻ CCCD, CMND đã được cấp (Điều 46): CCCD đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng hết thời hạn ghi trong thẻ, công dân có nhu cầu thì cấp đổi sang thẻ căn cước mới. CCCD và CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì có giá trị sử dụng đến ngày 30/6/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành mà dùng thông tin từ CMND hoặc CCCD vẫn có giá trị sử dụng.

Thứ ba, CMND 9 số hết hiệu lực từ 01/01/2025 (Điều 46). CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.

(Ảnh minh họa: 10 điểm mới của Luật Căn cước)

Thứ tư, thẻ căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú (Điều 18).

Thứ năm, mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước (Điều 18 và Điều 19). Cụ thể, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thứ sáu, về cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi (Điều 23): người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Thứ bảy, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30). Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ tám, bổ sung quy định cấp căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33). Theo đó, mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID). Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Thứ chín, bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23). Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện.

Thứ mười, theo Điều 22 của Luật Căn cước, thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác./.

Hoàng Toàn, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp