Thứ sáu, 10/05/2024
(Thứ ba, 27/02/2024, 09:21 am GMT+7)

Trận bóng đá giao hữu chiều mùng 09 Tết Giáp Thìn giữa thôn Vách Gạo, xã Phú Nhuận với thôn Khe Táu, xã Yên Định, huyện Sơn Động được phát trực tiếp trên facebook của Công an xã Phú Nhuận với hàng trăm bình luận dường như cũng nóng như không khí trên sân bóng. Chứng kiến hình ảnh đại diện lãnh đạo và cầu thủ các bên tặng hoa, cờ và chụp ảnh lưu niệm cho nhau khi trận đấu kết thúc khiến người ta khó có thể tin, cách đây hàng chục năm về trước, 2 địa phương từng là “điểm nóng”, những người dân tộc Cao Lan cùng sống hai bên sườn đỉnh Khau Nghè từng đối đầu, thường xuyên xảy ra xô xát, thậm chí sẵn sàng sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn.

Thôn Khe Táu (xã Yên Định, huyện Sơn Động) có gần 200 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu, 98% là đồng bào dân tộc Cao Lan tiếp giáp với thôn Vách Gạo (xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn có 76 hộ dân với 336 nhân khẩu, 96% là đồng bào dân tộc Cao Lan). Địa hình của 2 thôn chủ yếu là đồi, núi cao, đi lại khó khăn, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào trồng cây lâm nghiệp. Từ năm 2016 đến cuối năm 2021, xảy ra vụ việc tranh chấp đất lâm nghiệp giữa nhân dân thôn Khe Táu với một số hộ dân thôn Vách Gạo, xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn. Mâu thuẫn bùng phát mạnh và diễn biến nghiêm trọng vào ngày 17/5/2016, hơn 100 người dân thôn Khe Táu sang khu vực đất lâm nghiệp của các hộ dân thôn Vách quản lý để chặt phá đồng thời đốt thiêu rụi hơn 65 ha rừng. Nguyên nhân vụ việc, xuất phát từ việc một số người dân thôn Khe Táu cho rằng, từ năm 1972-1975, thực hiện chủ trương của cấp trên, Hợp tác xã Đồng Táu, thôn Khe Táu đã giao một số xã viên tuần tra, bảo vệ 'khoanh núi nuôi rừng' tại khu vực này. Tuy nhiên qua xem xét, bản đồ 'khoanh núi nuôi rừng' do UBND xã Yên Định cấp năm 1972 nhưng chỉ ghi chung chung diện tích, khu vực giao rừng. Các hồ sơ, bản đồ địa chính hiện còn lưu tại xã Yên Định, Phú Nhuận đều thể hiện đây là địa giới hành chính của thôn Vách đã được các cơ quan có thẩm quyền đo đạc, phê duyệt từ năm 1993. Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND huyện Lục Ngạn, Sơn Động, xã Yên Định, Phú Nhuận tổ chức đối thoại, tiếp nhận ý kiến, tuyên truyền, vận động người dân thôn Khe Táu chấp hành chính sách, pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, bà con vẫn khẳng định đây là phần đất nằm trong địa giới hành chính của thôn Khe Táu, các cơ quan chức năng đã 'vạch nhầm' cho thôn Vách mà không bàn bạc với người dân nên kiên quyết đòi lại.

Ngày 8-5-2017, hai phóng viên của Báo Bắc Giang được giao nhiệm vụ tìm hiểu thực tế về vụ tranh chấp đất rừng xảy ra nhiều năm qua giữa nhân dân thôn Khe Táu với các hộ dân thôn Đá Vách, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn). Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Hoàng Văn Cừ, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã đã đưa hai phóng viên đến nhà ông Đàm Văn Giáp, Trưởng thôn Khe Táu để cùng tiếp cận hiện trường. Biết có nhà báo về địa phương, Ban Văn Chỉnh, Hoàng Thị Hợi, Phó trưởng thôn Khe Táu đã đánh kẻng và cùng khoảng 50 người dân đã đến khu vực chân núi hô hào nhốt 4 người vào nhà văn hóa thôn và có lời lẽ xúc phạm. Trước tình hình trên, Bí thư Đảng ủy xã Yên Định và Chủ tịch UBND xã trực tiếp xuống thôn Khe Táu để vận động. Tuy nhiên, khi đến nơi, cả hai tiếp  tục bị nhốt giữ trong nhà văn hóa.

Ngày 17/5/2017, công dân Đàm Văn Phong và 175 người dân thôn Khe Táu, xã Yên Định đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ phản ánh, kiến nghị nội dung tranh chấp.

Ngày 15/5/2017, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung đơn kiến nghị của công dân hai thôn Khe Táu và Đá Vách, tổ chức đối thoại, không để công dân tập trung đông người khiếu kiện gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Ngày 18/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định số 1224/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Đàm Văn Giáp, ông Đàm Văn Phong và một số công dân trú tại thôn Khe Táu, xã Yên Định, nội dung Quyết định nêu rõ “Diện tích 63 ha đất rừng người dân thôn Khe Táu, xã Yên Định phát trắng và đốt năm 2016 thuộc địa giới hành chính xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn. Việc một số người dân thôn Khe Táu tự ý phát, đốt, trồng rừng trên diện tích 63 ha là hành vi vi phạm pháp luật”.

Tuy nhiên người dân thôn Khe Táu không đồng ý với Quyết định số 1224/QĐ-UBND của chủ tịch UBND tỉnh. Mặc dù tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại công khai nhưng người dân thôn Khe Táu vẫn tiếp tục đến tỉnh, trung ương khiếu kiện, đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết. Tình hình mâu thuẫn tại địa bàn tranh chấp vẫn tiềm ẩn rất phức tạp. Liên tục từ 2017, căng thẳng giữa người dân 2 bên luôn thường trực. Tất cả hoạt động của bất kỳ người dân nào trên khu vực đang tranh chấp (63 héc ta) đều có nguy cơ biến thành xô xát và bùng phát điểm nóng.

Anh Tống Văn Dân, hộ dân thôn Vách có đất trong khu vực tranh chấp kể lại: “Người dân thôn Khe Táu họ phân công canh gác khu đất của chúng tôi, chỉ cần chúng tôi có mặt dọn thực bì là họ kéo đông người lên uy hiếp. Đất của chúng tôi có sổ vậy mà không thể sản xuất trên chính mảnh đất mình được cấp sổ. Chúng tôi đã chờ đợi suốt 6 năm ròng rã” (Hết kỳ I).

Lê Thành Văn

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp