Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại từ lâu và ở nhiều quốc gia trên thế giới; đây là một vấn nạn mang tính toàn cầu, là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Tham nhũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn lực công, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân. Đảng và Nhà nước ta luôn có quyết tâm chính trị cao và kiên quyết phòng, chống khắc phục tham nhũng, coi đó là “giặc nội xâm” cần phải kiên quyết đấu tranh loại ra khỏi đời sống xã hội.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định tham nhũng, tiêu cực là nguy cơ, thách thức đe dọa trực tiếp đến uy tín, vị thế, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Trong những năm gần đây, với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và sự tâm huyết, mưu trí của lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nên tình trạng tham nhũng, tiêu cực từng bước được đẩy lùi và được kiềm chế, đã góp phần rất lớn trong sự nghiệp xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần to lớn trong công cuộc bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được nhiều thành quả rất quan trọng, để lại dấu ấn tốt và hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được cán bộ đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ và nhận được sự đánh giá cao của thế giới. Tuy nhiên, bất chấp thực tế, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nỗ lực và những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng bằng những hoạt động bỉ ổi, rất đáng lên án.
Thời gian vừa qua, nhất là sau khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện quy trình miễn nhiệm đối với một số lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước theo quy định, liên quan đến nhiều đại án tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý nghiêm như vụ án liên quan đến tiêu cực trong hệ thống đăng kiểm, vụ chuyến bay giải cứu, hay các vụ án liên quan đến các tập đoàn kinh tế lớn như Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Vạn Thịnh Phát… Các thế lực, phần tử thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang ra sức lợi dụng để không ngừng công kích, tuyên truyền, xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta bằng nhiều luận điệu thâm độc, nham hiểm. Chúng xuyên tạc mục tiêu và bản chất đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc “đấu đá nội bộ” nhằm “thanh trừng bè phái”, “đánh bóng tên tuổi”, chỉ mang tính chất “phong trào”; ra sức phủ nhận những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lợi dụng dư luận xã hội bức xúc về các vụ việc sai phạm trong công tác quản lý nhà nước, trong công tác xây dựng Đảng cũng như những hạn chế, khuyết điểm trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, các đối tượng phản động rêu rao rằng “tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền”, “tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam”, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là một “quốc nạn không có thuốc chữa”, quy chụp bản chất chung của cán bộ, đảng viên là tham nhũng, tha hóa, biến chất… Mục đích cuối cùng của chúng là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện “diễn biến hòa bình” hòng lật đổ chế độ chính trị, kêu gọi đa nguyên, đa đảng.
Có thể khẳng định rằng, quy chụp, đánh đồng hiện tượng thành bản chất, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã đưa ra những luận điệu sai trái; thậm chí trơ trẽn đánh tráo khái niệm, tốt vẫn nói xấu, có khuyết điểm thì bới móc, thổi phồng, làm lệch lạc bản chất vấn đề hòng xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta, phổ biến là:
Thứ nhất, chúng cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ đảng viên sai phạm chỉ là trò “đánh trống” “khua chiêng” nhằm “che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá, thanh trừng nội bộ”, “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng phe cánh”, vì lợi ích của một bộ phận cán bộ “chóp bu” trong hệ thống chính trị.
Những kẻ phản động, thù địch luôn tìm ra mọi lý lẽ để bẻ lái các thông tin theo hướng xuyên tạc, chống phá. Khi Đảng, Nhà nước ta chưa đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng hoặc đã làm nhưng kết quả bước đầu chưa rõ nét, còn hạn chế thì các thế lực thù địch, phần tử xấu cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm chỉ là mị dân, “hô khẩu hiệu”, thiếu triệt để, trò “đánh trống”, “khua chiêng” nhằm “che mắt thế gian”. Đến khi những vụ án, vụ việc tham nhũng bị phát hiện, xử lý quyết liệt thì chúng cho rằng, các vụ án, vụ việc được phát hiện, xử lý này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, là những vụ án, vụ việc không thể che đậy được nữa; mục đích nhằm xoa dịu bức xúc, bất bình nhất thời của cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội. Và sở dĩ không phát hiện, xử lý được “phần chìm của tảng băng” là do Đảng không muốn chống tham nhũng đến cùng; có sự bao che, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng của các cơ quan chức năng.
Khi Đảng và Nhà nước ta thể hiện quyết tâm chính trị, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý hàng loạt cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thì chúng lại cho rằng, thực chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là “cuộc chiến giữa các phe phái trong nội bộ Đảng”, là “khóa mới kỷ luật khóa cũ”, là việc “chỉ mang tính nhiệm kỳ”; thậm chí, lợi dụng việc chúng ta chỉ ra một số hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” ở một số địa phương, bộ, ngành, để tuyên truyền rằng đây là minh chứng cho việc các bộ, ngành, địa phương còn “e dè”, mới chỉ hô khẩu hiệu, chưa thực sự quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, chúng cho rằng tham nhũng là bản chất của hệ thống chính trị Việt Nam; ở Việt Nam chỉ có một Đảng duy nhất cầm quyền thì không thể chống tham nhũng, tiêu cực thành công.
Đây là luận điệu thường xuyên mà các thế lực thù địch, phản động, chống đối chính trị sử dụng, chúng cho rằng ở Việt Nam chỉ có duy nhất một Đảng cầm quyền, quá trình lãnh đạo sẽ không có các lực lượng chính trị đối trọng để giám sát, phản biện, kiểm tra thì sẽ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, Đảng đứng trên pháp luật. Chúng cho rằng đây là “lỗi hệ thống”, là nguyên nhân sâu xa làm cho tình trạng tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam ngày phổ biến, phức tạp, nghiêm trọng và trở thành “bản chất cố hữu” của chế độ; muốn chống tham nhũng thành công phải bắt đầu từ việc “sửa lỗi hệ thống”, tức là phải thực hiện đa nguyên đa đảng.
Thứ ba, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tập trung lợi dụng các chiêu bài, vỏ bọc chống tham nhũng, tiêu cực để thành lập, điều hành nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội mang màu sắc tiêu cực, chống đối nhằm đẩy mạnh tuyên truyền phá hoại tư tưởng, lôi kéo, tập hợp lực lượng, hình thành và công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trá hình trên không gian mạng.
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt hội, nhóm với nhiều vỏ bọc khác nhau như “chống tham nhũng, tiêu cực”, “làm trong sạch đội ngũ”... nhưng bản chất đây là các hội, nhóm do số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước thành lập, điều hành nhằm lợi dụng các vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực để lôi kéo đông người tham gia; trên thực tế đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhận thức hạn chế, ngộ nhận đã tham gia các hội, nhóm này. Trong các hội, nhóm này, chúng thường xuyên đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết liên quan đế các vấn đề nhạy cảm chính trị, xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng, lồng ghép các luận điệu “nửa thật, nửa giả” để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ uy tín của Đảng, Nhà nước các đồng chí lãnh đạo cấp cao; lan truyền các thông tin sai sự thật, xấu độc tiêu cực, nhạy cảm, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Cần phải khẳng định rằng, các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu nêu trên là thiếu căn cứ, mang tính chủ quan, suy diễn, nhìn nhận một cách phiến diện về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, những luận điệu đó đã và đang lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp, hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân thiếu thông tin, nhận thức còn hạn chế, ý thức cảnh giác chưa cao.
Trên đây là một số âm mưu, hoạt động phổ biến của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước; là một bộ phận trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng. Trước tình hình đó, là một công dân Việt Nam, mỗi chúng ta cần phải nhận thức rõ được ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta; nhận thức rõ và nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này để tuyên truyền, chống phá; đồng thời, nâng cao tư duy lý luận, tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trên mạng xã hội./.
Đội CPĐ&CKB, Phòng An ninh nội địa!