Thứ hai, 29/04/2024
(Thứ sáu, 08/03/2024, 04:37 pm GMT+7)

Hiện nay, trên mạng xã hội, một số trang thông tin có đăng tải thông tin trái chiều về Luật Căn cước gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Bắc Giang sẽ giải đáp một số thắc mắc về Luật căn cước 2023, có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.

(Ảnh minh họa)

Thẻ Căn cước công dân còn thời hạn sử dụng thì có được sử dụng đến khi hết thời hạn hay phải đổi sang thẻ căn cước?

Luật Căn cước quy định: Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước (Khoản 1 Điều 46). Như vậy, thẻ căn cước công dân có giá trị tương đương như thẻ Căn cước và các trường hợp công dân được cấp CCCD trước ngày 01/7/2024, đang sử dụng thẻ CCCD vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.

Bổ sung quy định về việc Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ 01/7/2024

Theo Điều 19 Luật Căn cước, đối tượng được cấp thẻ Căn cước là Công dân Việt Nam: Độ tuổi: Từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải làm thủ tục cấp thẻ Căn cước; công dân dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu thì thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước. Như vậy, theo quy định mới, người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024 có thể được cấp thẻ Căn cước nếu có nhu cầu.

Theo quy định tại Điều 18 Luật Căn cước, nội dung trên thẻ Căn cước gồm các thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ. Cụ thể:

- Thông tin được in trên thẻ: Hình Quốc huy; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; dòng chữ CĂN CƯỚC, ảnh khuôn mặt, số định danh, họ tên chữ đệm khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quốc tịch, nơi cư trú, ngày tháng năm cấp thẻ và hết hạn sử dụng, nơi cấp Bộ Công an.

So với Căn cước công dân, thẻ Căn cước đã bỏ mục quê quán thay vào đó là nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh; và nơi cư trú; bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng.

Thủ tục cấp thẻ Căn cước được quy định tại Điều 23 Luật Căn cước như sau:

Với trẻ dưới 06 tuổi:Thực hiện cấp thẻ Căn cước cho trẻ dưới 06 tuổi qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh: Thực hiện qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý Căn cước. Với các trường hợp nay, khi làm thẻ Căn cước không phải thu thập đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học (ảnh mặt, vân tay, mống mắt).

Với trẻ từ 06 - dưới 14 tuổi: Cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện các công việc: Trực tiếp đưa trẻ đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận hồ sơ Căn cước; kê khai, ký, thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thay cho trẻ.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên:

Bước 1: Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành… để xác định chính xác người cần cấp thẻ. Nếu chưa có thông tin thì thực hiện cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó tiến hành thu nhận hồ sơ Căn cước.

Bước 2: Thu thập đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học: Ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước.

Bước 3: Người đề nghị cấp thẻ kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.

Bước 4: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước. Việc trả thẻ được thực hiện theo địa điểm trong giấy hẹn hoặc ở địa điểm khác nếu có yêu cầu và phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

Như vậy, chỉ có trường hợp trẻ dưới 06 tuổi thì mới không lấy thông tin sinh trắc học (ảnh mặt, vân tay, mống mắt), các độ tuổi còn lại đều phải thực hiện lấy sinh trắc.

Công an tỉnh Bắc Giang thông báo đến toàn thể nhân dân biết./.

Tuấn Thành - Phòng CSQLHC về TTXH.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp