Thứ năm, 09/05/2024
(Thứ hai, 26/02/2024, 08:32 am GMT+7)

Những chiến sĩ an ninh đi “xuyên tường”

Một buổi sáng đầu tháng 8 năm 2023, Thượng tá Trần Huy Việt, Trưởng phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang tất bật lên đường cùng với Ban chuyên án và khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Bắc Giang, Phòng Cảnh sát cơ động và một số đơn vị nghiệp vụ khác có liên quan thuộc Công an tỉnh Bắc Giang ra thành phố Hà Nội phá án. Theo Thượng tá Trần Huy Việt, mặc dù bản thân anh cũng dày dặn kinh nghiệm trong điều tra và phá án nhưng đứng trước mỗi vụ án, chuyên án lại có những cảm xúc nghề nghiệp khác nhau.

Thiếu tá Chu Văn Hiệu- Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang trực tiếp tại hiện trường chỉ đạo phá chuyên án đấu tranh với các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đối với vụ án lần này, cái khó nhất là các đối tượng phạm tội hoạt động trên không gian mạng và để vén bức màn trong một “thế giới ảo” nhằm vạch mặt, chỉ tên, phơi trần những hành vi vi phạm pháp luật trên thực tế của các đối tượng cũng là một yêu cầu đặt ra không hề đơn giản. Hơn nữa, qua nắm tình hình trên không gian mạng, kết hợp với rà soát, nắm tình hình trên địa bàn thực tế, Ban chuyên án xác định có hàng chục đối tượng hiện đang thuê 7 căn hộ chung cư của nhiều toà chung cư khác nhau ở một khu chung cư cao cấp rộng lớn thuộc huyện Gia Lâm và 2 địa điểm ở huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội để hoạt động phạm tội. Do đó, Thượng tá Việt cùng ban chuyên án đã phải tính toán xây dựng các phương án đánh bắt rất kỹ lưỡng, có khả thi nhất nhằm phá án thành công, bảo đảm cao nhất yêu cầu nghiệp vụ, pháp luật vì chỉ cần sơ xuất ở một khâu nào đó thì rất dễ rơi vào tình trạng “đứt dây động rừng”; các đối tượng chỉ cần thao tác vài cú nhấp chuột thì sẽ nhanh chóng xoá mất tất cả dữ liệu liên quan đến hành vi phạm tội của chúng.

Thế rồi, sự căng thẳng cũng vỡ oà khi 9 mũi công tác đồng loạt ập vào kiểm tra 9 địa điểm trên. Trước mắt của Thượng tá Việt và các cán bộ, chiến sĩ tham gia phá án là gần 40 đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên, từ 17 đến 25 tuổi ở nhiều địa phương khác nhau tụ tập tại đây cùng với hàng trăm bộ máy tính, thiết bị phát sóng Internet, thẻ ngân hàng, thẻ sim điện thoại, điện thoại di động và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này được xác định là Trần Văn Mạnh, 21 tuổi, ở An Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội và các đối tượng có vai trò giúp sức tích cực đã phải tra tay vào còng số tám, khai nhận đã thu mua các tài khoản Facebook ảo rồi dùng các ứng dụng trên nền tảng Internet chạy quảng cáo nhằm tăng tương tác; đồng thời, tập trung gửi đăng quảng cáo vào các hội nhóm cho vay tiền; giả danh nhân viên của các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ các gói vay với mức lãi suất ưu đãi, giải ngân nhanh trong ngày; sau đó, yêu cầu người dân cần vay tiền phải chuyển các khoản tiền như: phí giải ngân, phí bảo hiểm cho khoản vay… tới các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định. Với thủ đoạn lừa đảo như trên, lực lượng phá án xác định nhóm đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt trên 30 tỷ đồng của hàng nghìn bị hại trên địa bàn cả nước.

Nhớ lại vào cuối năm 2022, cũng qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, những trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã phát hiện một số trang web nghi vấn có dấu hiệu đánh bạc và tổ chức đánh bạc với quy mô đặc biệt lớn. Với quyết tâm phát hiện, đấu tranh, bắt giữ các đối tượng thiết kế, quản trị, vận hành, tổ chức trang web đánh bạc này để đưa các đối tượng ra ánh sáng của pháp luật, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh cùng các đơn vị nghiệp vụ khác đã huy động lực lượng, biện pháp tổ chức xác minh trong một thời gian dài và xác lập chuyên án đấu tranh. Đến ngày 20/12/2022, Ban chuyên án quyết định phá án. 10 mũi công tác với gần 100 cán bộ, chiến sỹ do Ban chuyên án Công an tỉnh Bắc Giang chỉ đạo đã đồng loạt tiến hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với các đối tượng liên quan trong đường dây này tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và tại căn hộ trong Khu đô thị Vinsmart City ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang xác định 7 đối tượng tham gia đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc này; trong đó, đối tượng Ngô Đức Hạ 25 tuổi, ở Xuân Lạn, xã Hương Mai, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có vai trò cầm đầu đường dây. Từ khoảng tháng 4/2021, đối tượng Ngô Đức Hạ thuê Trần Đỗ Đức Nghĩa (SN 2004), trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội tạo lập website “clmm.me” và “clmmz.me” để phục vụ hoạt động tổ chức đánh bạc.

Trong vụ án này, các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội rất mới, khép kín, lợi dụng việc giao dịch của ví điện tử MoMo để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng đã tự tạo lập, điều hành, quản trị website, sử dụng hàng nghìn tài khoản MoMo khác nhau để phục vụ việc tổ chức đánh bạc trên website; mỗi ngày phát sinh khoảng 50.000 giao dịch đánh bạc với tổng số tiền đánh bạc từ 3 đến 4 tỷ đồng. Tổng số lượng giao dịch tổ chức đánh bạc và đánh bạc của hai website trên tính đến thời điểm bắt giữ các đối tượng khoảng 2.000 tỷ đồng; thu hút hàng nghìn người chơi trên cả nước, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự. Từ hoạt động tổ chức đánh bạc, trung bình mỗi tháng, đối tượng Ngô Đức Hạ thu lợi khoảng 2 tỷ đồng. Các đối tượng còn lại cũng thu lợi với số tiền lớn hàng tháng, thậm chí, có đối tượng được Ngô Đức Hạ trả cho cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Để có thể phát hiện, đấu tranh thành công với những vụ án lớn như trên, Thượng tá Trần Huy Việt cho rằng, đó là kết quả của nhiều tháng ngày các cán bộ trinh sát của anh phải cần mẫn, thường xuyên, liên tục “lang thang trên mạng” để có thể “đi xuyên tường” nắm bắt được các hoạt động vi phạm pháp luật của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Bởi hiện nay, loại tội phạm này thường ở tại các phòng biệt lập, các căn hộ chung cư, sử dụng các thiết bị điện tử kết hợp công nghệ cao để thực hiện các hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, các đối tượng thường tổ chức hoạt động phạm tội có tổ chức chặt chẽ, số lượng đối tượng tham gia đông, xây dựng sẵn các kịch bản để phạm tội. Chính vì vậy, việc nắm tình hình phải được thực hiện trên không gian mạng ở tất cả các lĩnh vực, chuyên đề như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, tội phạm ma tuý, vũ khí, vật liệu nổ… Giữa mênh mông rộng lớn của các nền tảng mạng xã hội với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vô cùng đa dạng, tinh vi và thường xuyên thay đổi nên việc đi tìm và phát hiện ra những dấu hiệu, hành vi phạm tội của các đối tượng cũng là một thách thức và cần sự quyết tâm rất lớn của cán bộ, chiến sỹ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Công tác phòng ngừa phải đi trước một bước và mỗi cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng nâng tầm tri thức và sự hiểu biết về công nghệ cao để có thể nắm bắt, phát hiện các hành vi vi phạm trên không gian mạng của các đối tượng phạm tội.

Vì an ninh con người

Có thể nói, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay không giới hạn ở không gian, thời gian nào và bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân nếu như không có ý thức phòng ngừa tốt. Đồng thời, hậu quả của tội phạm sử dụng công nghệ cao gây ra cho xã hội, cho người dân là rất lớn; không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn làm ảnh hưởng tới tinh thần, sức khoẻ, tính mạng của người dân. Thiếu tá Chu Văn Hiệu, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng cao, Công an tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Là những người trực tiếp làm công tác này, mỗi khi người dân bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt số lượng lớn tiền với những chiêu trò lừa đảo khác nhau, chúng tôi lại nhận thấy trách nhiệm của mình ở trong đó.

Gần đây nhất, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng và địa bàn, đơn vị anh và Công an huyện Tân Yên đã phát hiện một nhóm đối tượng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh y, bác sĩ nổi tiếng ở các bệnh viện lớn trong cả nước để lừa đảo, chiếm đoạt số lượng lớn tiền của những người đang mắc các căn bệnh ung thư, u bướu. Bị hại trong vụ án này đều là những người bệnh. Họ vừa phải chống trọi với bệnh tật, thậm chí còn đang đối diện với tử thần nhưng đã bị các đối tượng vô nhân tính lừa đảo chiếm đoạt số lượng lớn tài sản. Và điều quan trọng hơn nữa là các đối tượng đã bán cho những người bệnh này các loại thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc và các sản phẩm thuốc nam không rõ nguồn gốc ở Ba Vì, Hà Nội trong khi chính bản thân các đối tượng cũng không biết những sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc ấy có thành phần hoá dược nào, công dụng gì hay không. Từ những hành vi vô nhân tính ấy còn lấy đi cơ hội điều trị bệnh, thậm chí làm mất đi “thời gian vàng” trong điều trị một số bệnh hiểm nghèo của người bệnh. Với sự nguy hiểm đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an huyện Tân Yên và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan quyết tâm phát hiện, đấu tranh để lôi ra ánh sáng pháp luật các đối tượng lừa đảo. Một cặp vợ chồng là Nguyễn Thị Hiền, 27 tuổi và Đặng Văn Thắng, 29 tuổi, đều trú tại Văn Lãng, Quang Trung, Phú Xuyên, Hà Nội là đối tượng chính của vụ án, cùng quản lý Công ty TNHH Bảo Long Dược có trụ sở chính ở số 10B, ngõ 88, đường Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đã không thể che giấu được hành vi phạm tội của mình. Với thủ đoạn giả danh các y, bác sĩ giỏi, nổi tiếng, hai đối tượng này đã tuyển nhân viên, tổ chức kinh doanh đa cấp các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc để lừa bán cho người bệnh. Vì tập trung lừa đảo vào đối tượng bị hại là những người đang mắc bệnh, đặc biệt là những người mặc bệnh ung thư, u bướu nên giá bán cho người bệnh cũng ở mức đắt đỏ từ 1-3 triệu đồng một lọ tùy loại, trong khi trên thực tế, giá nhập về chỉ từ 30 đến 40 nghìn đồng. Để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, các đối tượng đã nghiên cứu tâm lý người bệnh, xây dựng các tình huống, tập huấn bán hàng, tư vấn, chạy quảng cáo không đúng sự thật trên Facebook để bán hàng. Chỉ trong vòng hơn một năm, từ tháng 10/2022 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã bán trót lọt khoảng 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc cho hơn 35.000 bị hại ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, thu về khoảng 165 tỷ đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt giam tổng số 23 bị can liên quan đến vụ án này.

Lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang phá vụ án giả danh y, bác sỹ chiếm đoạt tài sản của người bệnh

Bên cạnh đó, bảo vệ an ninh cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư cũng được Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang hướng tới. Bởi tỉnh Bắc Giang là tỉnh có khu, cụm công nghiệp lớn với khoảng 164.000 công nhân đang làm việc tại đây. Với sự chủ động trong công tác phòng ngừa, trong năm 2023, đơn vị đã phát hiện một nhóm đối tượng sử dụng xe ô tô, thiết bị phát sóng để phát tán các tin nhắn trái phép qua mạng viễn thông với nội dung quảng cáo cho các website đánh bạc, phục vụ hoạt động đánh bạc và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đã tập trung hoạt động ở những khu, cụm công nghiệp có nhiều công nhân, khu vực đô thị, đông dân cư. Xác định đây là hoạt động vô cùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh trật tự của không chỉ tỉnh Bắc Giang mà còn ảnh hưởng tới các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là an ninh công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, do vậy, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khẩn trương, quyết liệt trong tổ chức xác minh. Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng này. Cuối tháng 3/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng 4 - Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng 9 - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an tiến hành phá chuyên án, bắt giữ đối tượng Nông Hữu Chiến, 34 tuổi và Triệu Văn Biển, 27 tuổi, cùng trú tại tỉnh Lạng Sơn đang có hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác để phát tán các tin nhắn phục vụ hoạt động đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại khu vực phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Hai đối tượng Chiến và Biển khai nhận trước đó 2 tiếng bị bắt, đã sử dụng các thiết bị trên để phát tán trái phép khoảng 10.000 tin nhắn tại nhiều khu vực thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội.

Chia tay với Thượng tá Việt và Thiếu tá Hiệu giữa lúc các cán bộ, chiến sĩ của các anh lại tất bật chuẩn bị lên đường phối hợp với Công an huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đi tỉnh Hải Dương phá một vụ án đối tượng mạo danh đại lý phân phối các hãng sữa nổi tiếng để lừa đảo chiếm đoạt khoảng 200 triệu đồng của bị hại, chúng tôi càng thấu hiểu, cuộc chiến phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của những cán bộ, chiến sỹ an ninh phòng chống tội phạm công nghệ cao còn lắm gian nan và cần nhiều sự hy sinh, cống hiến thầm lặng.

Minh Thúy

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp