Thứ bảy, 05/10/2024
(Thứ hai, 08/04/2024, 09:51 pm GMT+7)

Xác định công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, không để họ tái phạm tội là một biện pháp làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội; với chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an xã Hợp Đức, huyện Tân Yên đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp, cách làm nhằm quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, góp phần giúp người từng lầm lỡ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, ổn định cuộc sống, vươn lên trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Công an xã Hợp Đức đã tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng mô hình “Tổ tự quản hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng” hoạt động hiệu quả; tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp đóng trên địa bàn ký cam kết tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng có việc làm ổn định. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức hàng trăm lượt xuống từng gia đình gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng về hoàn cảnh khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, lồng ghép tại các Hội nghị, buổi sinh hoạt... Đối với người chấp hành xong án phạt tù sau khi về địa phương, Công an xã trực tiếp gặp gỡ, kiểm tra các quyết định và giấy tờ có liên quan; yêu cầu ký cam kết không tái phạm, chấp hành tốt các quyết định của tòa án và quy định của địa phương; hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm, hướng dẫn làm các thủ tục hành chính cần thiết… Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, động viên và tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để công dân tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Công an xã Hợp Đức nắm tình hình, thăm hỏi, động viên gia đình công dân tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên làm kinh tế giỏi

Chia sẻ về vấn đề này, Thiếu tá Trần Xuân Điệp, Trưởng Công an xã Hợp Đức, huyện Tân Yên cho biết: “Việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng vừa mang tính nhân văn sâu sắc, vừa là biện pháp chủ động phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, góp phần làm trong sạch địa bàn, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương”.

Anh Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1992, trú tại xã Hợp Đức, huyện Tân Yên) là một trong những cá nhân tiêu biểu về nghị lực vươn lên sau những ngày lầm lỡ, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Trở về địa phương sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội “Buôn bán hàng cấm”, bản thân anh Kiên gặp rất nhiều khó khăn, tâm lý thiếu tự tin và mặc cảm với mọi người xung quanh. Thấu hiểu hoàn cảnh của anh Kiên, Thiếu tá Trần Xuân Điệp, Trưởng Công an xã Hợp Đức đã chỉ đạo, phân công cán bộ thường xuyên gần gũi, động viên, tạo điều kiện giúp anh Kiên làm lại các giấy tờ tùy thân, định hướng cho anh cùng gia đình tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Không phụ sự kỳ vọng, giúp đỡ của người thân và Công an xã, với số vốn 100.000.000 đồng được vay từ nguồn chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ), anh Kiên đã chăm chỉ làm việc, đồng thời luôn chấp hành tốt các quy định của địa phương. Hiện tại, vợ chồng anh Kiên chăn nuôi và trồng ổi trên 02 mẫu ruộng, chủ yếu là các diện tích ruộng của gia đình và mượn lại của nhiều hộ dân không có nhu cầu sử dụng; đem lại cho gia đình nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Anh Nguyễn Trung Kiên tại vườn ổi của gia đình

Một trường hợp khác là anh Vũ Ngọc Hà (sinh năm 1991, trú tại xã Hợp Đức, huyện Tân Yên), chấp hành xong án phạt tù với bản án 01 năm về tội danh “Vô ý làm chết người”. Ngay sau khi anh Hà về địa phương, Công an xã Hợp Đức đã trực tiếp đến gặp gỡ, động viên, chia sẻ những vấn đề khúc mắc. Chính từ sự cởi mở của lực lượng Công an xã và sự quan tâm của gia đình đã truyền cho anh Hà năng lượng tích cực, quyết tâm chăm chỉ làm việc; những tự ti, mặc cảm dần được xóa bỏ. Hiện nay anh Hà là lái xe của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Cường Sáu. Ngoài ra, từ số vốn 100.000.000 đồng vay từ nguồn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, vợ chồng anh Hà đầu tư ao nuôi cá, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Công an xã Hợp Đức thăm Mô hình phát triển kinh tế ao cá của gia đình anh Vũ Ngọc Hà

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá trở về địa phương, Công an xã Hợp Đức tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp thường xuyên, kịp thời, thống nhất của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và trách nhiệm của toàn dân trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận, tư vấn, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; quản lý, giáo dục, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật. Phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí và vật chất, cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tổ chức học tập, tạo công ăn việc làm nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tránh tái phạm. Kịp thời tham mưu biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác tái hòa nhập cộng đồng và công dân tiến bộ tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng.

Thực tiễn cho thấy, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá là một quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác này, đòi hỏi phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của mỗi công dân chung tay, góp sức chủ động, tích cực tham gia thực hiện, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo.

Ban biên tập

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp