Thứ sáu, 17/05/2024
(Thứ ba, 28/06/2022, 04:22 pm GMT+7)

Trước sự nguy hiểm và dự báo thời gian tới dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, Công an tỉnh Bắc Giang có văn bản chỉ đạo đến Công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh chủ động triển khai các công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 43.628  trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 22 trường hợp tử vong tại TP Hồ Chí Minh (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1). So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc giảm nhẹ, tuy nhiên số ca tử vong tăng 01 trường hợp.

Sốt xuất huyết lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi vằn.

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm và gia tăng vào mùa mưa, lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi vằn (Aedes aegypti, Aedes albopictus). Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hằng tháng vượt trên 20º C.

Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ nhẹ chỉ sốt vài ngày rồi hết đến rất nặng và có thể tử vong. Đa số trường hợp bệnh nhân đều tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến thành thể sốt xuất huyết nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Ngành y tế cảnh báo, sốt xuất huyết là bệnh có thể phòng ngừa. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương và Nhân dân cần chủ động và nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết: mắc màn khi ngủ, thường xuyên dọn nhà ở và khu vực xung quanh nhà sạch sẽ; tổ chức diệt lăng quăng (bọ gậy), thu gom, lật úp, xử lý dụng cụ phế thải chứa nước, đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt… để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước (nếu có thể được) để ăn bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ… Khi có dấu hiệu của bệnh, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

Lăng Dành

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp