Thứ sáu, 28/06/2024
(Thứ ba, 20/06/2023, 02:23 pm GMT+7)

          Thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều bài viết trên các hội, nhóm đông thành viên tham gia, nội dung thông báo có trẻ em đi lạc, khẩn thiết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ, chia sẻ bài viết để người thân sớm tìm được trẻ. Bài viết gắn kèm hình ảnh hoặc video về trẻ em đi lạc, có số điện thoại người thân để liên hệ. Tuy nhiên, khi gọi vào các số điện thoại này đều không thể liên lạc được.

          Nhiều người với lòng tốt, mong muốn giúp đỡ mà không kiểm tra lại thông tin đã lập tức chia sẻ lên trang cá nhân hoặc các hội, nhóm mà mình tham gia. Với tâm lý chung như vậy, những bài viết này nhận được rất nhiều tương tác, có những bài lên tới cả nghìn lượt thích và chia sẻ.

                                         

(Ảnh minh họa)

          Qua xác minh tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, thời gian gần đây cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp trẻ em đi lạc với những thông tin trên Facebook như vậy.

          Đối tượng xấu đăng tải bài viết thông báo phát hiện trẻ lạc nêu trên, sau một thời gian sẽ chỉnh sửa lại bài viết thành bài quảng cáo “Thuốc nam gia truyền” chữa trị bệnh xương khớp, tai biến, đau dây thần kinh… (các loại thuốc này nghi vấn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan chuyên môn thẩm định chất lượng và cấp phép lưu hành) kèm theo đó là các video minh họa người khỏi bệnh sau khi dùng thuốc và số điện thoại liên hệ đặt mua thuốc hoặc những nội dung xấu khác. Vô tình, những người chia sẻ bài viết ban đầu đã giúp sức cho đối tượng xấu chia sẻ thông tin, quảng cáo xấu đến chính bạn bè, người thân của mình.

                                       

(Ảnh minh họa)

          Để không bị các đối tượng lợi dụng nhằm chia sẻ, phát tán tin giả phục vụ mục đích xấu, Công an tỉnh Bắc Giang khuyến cáo:

          (1) Khi đọc được bài viết với nội dung thông báo có trẻ em đi lạc và kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội, người dân có thể kiểm tra lại thông tin bằng cách:

          - Gõ vào mục tìm kiếm của ứng dụng Facebook số điện thoại gắn kèm bài viết. Nếu kết quả có nhiều bài viết tương tự, có cùng số điện thoại liên hệ nhưng có mâu thuẫn về nội dung, sử dụng hình ảnh của trẻ em khác hoặc thời gian đăng bài đã từ lâu thì khẳng định đây là tin giả, người dân không chia sẻ, tương tác với bài viết.

          - Gọi trực tiếp vào số điện thoại gắn kèm bài viết, nếu tổng đài báo số điện thoại liên hệ không đúng thì đây là tin giả.

          - Kiểm tra tài khoản Facebook đăng tải bài viết, nếu là tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng, có rất ít bạn bè, không có hình ảnh cá nhân, thường xuyên đăng tải các bài viết khác thông báo có trẻ lạc và quảng cáo “Thuốc nam gia truyền” thì có khả năng cao bài viết do tài khoản đó đăng tải cũng là tin giả.

          - Đối chiếu danh sách số điện thoại đã được đối tượng xấu sử dụng trong các bài viết tung tin giả gần đây gồm: 0965938187; 0327582986; 0767374715; 0889494431; 0969394337…

          (2) Cảnh giác, kiểm tra kỹ trước khi đăng tải, chia sẻ thông tin lên mạng xã hội là có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng. Hãy để lòng tốt của bạn được đặt đúng chỗ./.

Phòng ANM&PCTPSDCNC

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp