Chủ nhật, 13/10/2024
(Thứ năm, 13/06/2024, 09:28 pm GMT+7)

Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã chú trọng tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác tái hòa nhập cộng đồng. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính xã hội và nhân văn cao, giúp đỡ người từng lầm lỡ an tâm, ổn định cuộc sống và hạn chế việc tái phạm tội.

Các mô hình hoạt động theo 2 tiêu chí là cảm hóa và giúp đỡ

Ngày 17/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định này áp dụng đối với phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện tại các cơ sở giam giữ phạm nhân (gọi chung là phạm nhân); người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù) là người Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

Lễ ra mắt mô hình giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng tại phường Quang Châu, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ, thời gian qua, Công an thị xã Việt Yên đã tập trung vào các biện pháp gồm: Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù. Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu và phòng tránh các hành vi vi phạm pháp luật. Nội dung trợ giúp về tâm lý gồm: tư vấn xóa bỏ mặc cảm tự ti; nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các quan hệ xã hội; đồng thời đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn ổn định cuộc sống...

Hiện nay, Công an thị xã Việt Yên đã hướng dẫn cho 17/17 xã, phường trên địa bàn thành lập và ra mắt mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Hình thức hoạt động của các mô hình là mỗi người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sẽ được UBND xã, phường phân công người có uy tín giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục. Kết quả: 100% người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều có người giúp đỡ, cảm hóa; hàng năm, số người tái phạm tội dưới mức 3%; giúp đỡ 28 người được vay vốn, với số tiền 2,8 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao 01 ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng cho người tái hòa nhập cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn…

Tọa đàm về hiệu quả của việc ra mắt các mô hình giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng

Là bệ đỡ giúp những người lầm lỡ tìm được đường sáng cho tương lai

Lãnh đạo Công an thị xã Việt Yên cho biết, là địa bàn nằm ở cửa ngõ của tỉnh, giáp ranh với thành phố Bắc Ninh, lại có nhiều khu, cụm công nghiệp nên việc nhiều người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống tại địa phương đặt ra không ít thách thức cho lực lượng chức năng, không chỉ trong quá trình quản lý mà việc làm thế nào để họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng cũng luôn là trăn trở thường trực. Do đó, với mong muốn huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung tay, xóa bỏ mặc cảm, tạo điều kiện, khả năng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, Công an thị xã Việt Yên đã tích cực hướng dẫn để UBND các xã, phường cho ra đời các mô hình tiếp nhận, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng làm bệ đỡ những người lầm lỡ sớm tìm được con đường sáng cho tương lai sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Sau khi triển khai, các mô hình đã tạo điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội và vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thị xã./.

Ban biên tập

 

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp