Thứ sáu, 22/11/2024
(Thứ năm, 21/11/2024, 09:15 pm GMT+7)

Tác hại của việc dùng xung kích điện để khai thác thủy sản là: Làm chết hầu hết các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước; hủy hoại nơi sinh sống, kiếm mồi, sinh sản của các loài thủy sản; có thể gây hậu quả chết người,…Hậu quả để lại phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh.

 

Bộ kích điện dùng để đánh bắt thủy, hải sảnQA

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngày 02-1-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, có nội dung “nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước”. Tiếp đó, Luật Thủy sản năm 2017 có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng dòng điện, xung điện để khai thác thủy sản, cụ thể tại khoản 7, Điều 7, Luật Thủy sản năm 2017 quy định cấm các hành vi sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính chất hủy diệt, tận diệt khai thác nguồn lợi thủy sản”…

Ngày 05/4/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành từ 20/5/2024 quy định cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đối với trường hợp không sử dụng tàu cá mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện trực tiếp từ điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 và khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này.

Trong thời gian tới lực lượng Cảnh sát đường thuỷ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bắc Giang chủ động trong công tác tuyên truyền người dân không sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để đánh bắt thủy sản, không buôn bán, tàng trữ chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản;  đồng thời tổ chức cho các hộ dân ven sông hành nghề đánh bắt cá ký cam kết không sử dụng xung kích điện, chất độc, chất nổ để khai thác thuỷ sản. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phối hợp lực lượng Công an cấp xã kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xung kích điện trong hoạt động khai thác thuỷ sản trên địa bàn.

ĐỘI CẢNH SÁT ĐƯỜNG THUỶ - PHÒNG CẢNH SÁT GIAO THÔNG./.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp