Thứ bảy, 18/05/2024
(Thứ tư, 18/01/2023, 03:45 pm GMT+7)

      Mỗi năm, khi Nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài hân hoan chuẩn bị đón Tết, thì trên mạng xã hội lại xuất hiện các bài viết xuyên tạc, phủ nhận giá trị tốt đẹp của Tết cổ truyền (Nguyên đán), có những luận điệu xỏ xiên, đòi bỏ “tết Ta”, ăn “tết Tây” để “hòa nhập” với thế giới. 

Hình ảnh một số lễ hội dịp Tết Nguyên đán tại tỉnh Bắc Giang

      Những năm gần đây, xuất hiện trào lưu đòi “đổi mới”, “hướng ngoại”, “Tây hóa”… với lý luận: Đổi mới để phát triển, để văn minh và họ đưa ra hai lý do chính phải bỏ “tết Ta” là:

      Thứ nhất, do tốn kém về kinh tế: Những người này cho rằng việc tổ chức Tết Nguyên gây tốn kém về kinh tế cho xã hội, từ Nhà nước cho đến người dân; viện dẫn rằng mỗi người dân Việt Nam phải chi tiêu nhiều tiền vào mua sắm, quà tết, lì xì,… tốn kém trong việc tổ chức các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán ở khắp các làng quê trên mọi miền Tổ quốc, cả những lễ hội dân gian và những lễ hội do Nhà nước tổ chức. Những người này còn viện dẫn, trong khi người Việt Nam nghỉ Tết thì các doanh nghiệp nước ngoài đang làm việc; họ cho rằng Tết làm lỡ nhiều cơ hội kinh doanh với nước ngoài.

      Tuy nhiên, họ không tính đến hoặc cố tình lờ đi việc Tết Nguyên đán là cơ hội làm ăn của các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là cung cấp những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng truyền thống. Bên cạnh đó, cùng với các lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán đem lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch Việt Nam, thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài trong năm, đặc biệt là các du khách đến từ Châu Mỹ, Châu Âu, Nam Á, Trung Á, Tây Nam Á, Châu Đại Dương và thậm chí là từ Châu Phi. Sức thu hút của Tết Nguyên đán ở Việt Nam làm cho họ có những kỳ nghỉ đông thú vị không kém và cũng không hề giống những dịp nghỉ đông ở các nước Phương Tây.

      Vì vậy, lấy lý do tốn kém về chi tiêu và lãng phí tiền bạc hay lỡ cơ hội kinh doanh để đòi bỏ Tết Nguyên đán là bất hợp lý, là góc nhìn thiển cận, hạn hẹp về truyền thống văn hóa này.

Du khách nước ngoài hòa chung không khí Tết tại Việt Nam

      Thứ hai, những người đòi bỏ Tết Nguyên đán vì cho rằng Tết Nguyên đán là sản phẩm của văn hóa Trung Quốc: Cần nói thẳng rằng trong đầu của những người này, tất cả những thứ gì có liên quan đến Trung Quốc đều bị họ bài xích bởi tâm lý cố hữu của họ luôn coi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, “bài Trung” cực đoan. Và hầu như những người này đều coi Mỹ và phương Tây là chuẩn mực của thế giới.

      Trước hết, những người này không hề có một chút hiểu biết rằng Tết Nguyên đán. Tết Nguyên đán (cũng gọi là Tết Âm lịch để phân biệt với Tết Dương lịch) là sản phẩm của văn hóa, của phong tục, tập quán của tất cả các dân tộc có nền kinh tế dựa vào “nông nghiệp lúa nước”. Lịch sử khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng trước khi các nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây can thiệp vào cho thấy nền nông nghiệp lúa nước ở đây dựa trên “lịch mặt trăng”. Còn ở Trung Nguyên (tức Cao nguyên Hoàng Thổ), nơi khởi phát của nền văn minh Trung Hoa, người dân ở đây gây dựng nền kinh tế của mình bằng nghề trồng lúa mỳ, trồng cao lương và chăn nuôi du mục. Vì vậy, cho rằng Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung Quốc là hoàn toàn phi logic, phi biện chứng lịch sử.

      Dưới thời các triều đại Lý, Trần, Lê, ông cha ta tổ chức lễ, tết rất trang trọng. Những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán như: Tục tiễn ông Táo về trời, bày mâm ngũ quả, tất niên, cúng giao thừa, tục xông nhà, mừng tuổi… là những giá trị hiện sinh, thành quả của cả dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng và giữ nước. Tết cổ truyền là nét văn hóa độc đáo tổ tiên truyền lại, là cội nguồn, gốc tích dân tộc; chối bỏ Tết cổ truyền là hành vi cổ súy chối bỏ tổ tiên, chối bỏ văn hóa Việt!

      Điều đáng nói là, “ăn theo” ý kiến chủ quan của một số cá nhân về bỏ Tết Nguyên đán, số đối tượng mang lòng hận thù dân tộc, có dịp buông lời chê bai, tuyên truyền tư tưởng “bài nội”, “sùng ngoại”, phủ nhận thành tựu phát triển của đất nước, xuyên tạc chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta; với luận điệu: Nên bỏ Tết cổ truyền, không thể cứ khư khư giữ lấy truyền thống để phải chịu nghèo đói; còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo… Đài VOA, RFA và các hãng thông tấn nước ngoài nuôi dưỡng lực lượng “chống cộng” lên tiếng xuyên tạc, kích động xóa bỏ văn hóa, truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam, tiến tới âm mưu đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thay đổi thể chế chính trị…!

      Tết cổ truyền có lịch sử lâu đời, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, cần phải được gìn giữ. Bởi vậy, thay vì “đề xuất” bỏ Tết Nguyên đán hãy đưa ra các giải pháp góp phần hạn chế những tiêu cực phát sinh; chớ nên “tạo cớ” để các thế lực phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá Nhà nước ta…/.

Phòng An ninh nội địa - Công an tỉnh Bắc Giang

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp