Tuổi trẻ lầm lỡ - Vướng vòng lao lý - Phải trả giá cho hành vi của mình - Để rồi hạnh phúc khi được trở về, ước mơ có một cuộc sống ổn định, bình yên đó là hành trình hướng thiện của bao con người lầm lỗi khi trở về địa phương. Tuy nhiên hành trình trở về từ “ bóng tối” không đơn giản. Bởi họ còn đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng khó khăn lớn nhất là không có việc làm, không có tiền vốn làm ăn, cộng đồng xa lánh, kỳ thị. Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù chính là điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương vươn lên.
Thời gian qua huyện Hiệp Hòa đã thực hiện nhiều giải pháp giúp người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, giúp họ làm lại cuộc đời. Từ chính sách nhân văn này, nhiều người lầm lỡ trong quá khứ đã vươn lên làm giàu, gia tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, trở thành người có ích cho xã hội.
Trở về sau hơn 12 năm chấp hành hình phạt tù của bản án 20 năm về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”, anh Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1980) hiện thường trú tại thôn Thanh Lương, xã Hoàng Lương đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Song rào cản lớn nhất đối với anh là không nghề nghiệp, không vốn kinh doanh, sản xuất nên anh đã phải vật lộn với bao nghề như phụ hồ, may vá để kiếm sống. Tuy nhiên, nhờ có chính sách của Chính phủ, sự bảo lãnh của gia đình, giúp đỡ của chính quyền địa phương và lực lượng Công an cơ sở, tháng 3/2024 anh Chiến đã được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Hòa giải ngân cho vay 100 triệu đồng theo Quyết định số 22-QĐ/CP của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù. Khi có nguồn vốn, anh đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng mua bán, sửa chữa xe máy, xe đạp điện cũ tại nhà. Từ đây, anh Chiến đã có thể yên tâm lao động sản xuất, có công việc và thu nhập ổn định hàng tháng để vươn lên trong cuộc sống.
(Ảnh anh Chiến tại cửa hàng sửa chữa xe đạp điện, xe máy của gia đình)
Cũng như anh Chiến, sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, anh Trần Văn Quý (sinh năm 1986) hiện thường trú tại thôn Phú Thuận, xã Đoan Bái cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Đối với những người như anh Quý, thiếu vốn làm ăn là mối lo ngại lớn nên khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hiệp Hòa cho vay vốn 100 triệu đồng theo Quyết định 22, anh rất phấn khởi bởi đây là nguồn lực tiếp thêm sức mạnh để anh vực dậy sau vấp ngã trong cuộc sống, chuyên tâm làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng. Bình quân mỗi ngày gia đình anh xuất bán 700 -750 quả trứng vịt, với giá bán 2.800 - 3000đ/quả. Trừ chi phí các loại, mỗi tháng gia đình anh thu lãi 15 -20 triệu đồng.
(Ảnh anh Quý tại trại vịt của gia đình)
Niềm vui của anh Chiến, anh Quý cũng là niềm vui của hàng chục trường hợp CHXAPT trở về địa phương trên địa bàn huyện đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH thời gian qua. Trong quá khứ, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau đưa đẩy nên họ phạm phải sai lầm, phải trả giá bằng những năm tháng trong trại giam. Sau khi chấp hành xong án phạt trở về địa phương, họ phải đối mặt với nhiều rào cản, trở ngại. Hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới của những người lầm lỡ giờ không còn đơn độc nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng mang tính nhân văn của Chính phủ. Từ nguồn vốn ưu đãi đã giúp họ tự tạo việc làm phù hợp như sửa chữa xe máy, mở xưởng may, quán ăn, quán nước; nuôi bò sinh sản; chăn nuôi tổng hợp; mô hình VAC…. qua đó giúp họ có thu nhập ổn định, vượt qua mặc cảm lầm lỡ vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
(Ảnh anh Hiền ở Hoàng Vân với đàn bò gia đình mua từ nguồn vốn Quyết định số 22)
Nguồn vốn tín dụng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho người chấp hành xong án phạt tù. Đây được xem như chiếc “phao cứu sinh” cho những người lầm lỡ có cơ hội hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Mặc dù mới triển khai nhưng chính sách tín dụng dành cho người chấp hành xong án phạt tù thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, tạo cơ hội cho những người có quá khứ lầm lỡ vươn lên làm lại cuộc đời. Bởi với những người CHXAPT, nếu không có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ thì nguy cơ tái phạm tội là rất cao. Vì vậy, việc hỗ trợ các biện pháp để họ tái hòa nhập là cần thiết và quan trọng. Thời gian tới Công an huyện Hiệp Hòa tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn, đồng thời phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù thực hiện đúng cam kết vay vốn, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, đồng thời chú trọng tuyên truyền để lan tỏa chính sách này trong cuộc sống. Qua đó tạo “Điểm tựa' vững chắc cho người lầm lỡ hoàn lương làm lại cuộc đời.
Ban biên tập