Thời gian qua, nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram... rầm rộ đăng tải các bài viết về việc thu mua các mặt hàng nông sản “lạ” như như bọ hung, ốc bươu vàng, giun đất, lá bàng khô, lá điều khô, hạt na, đỉa… cho các thương lái nước ngoài khiến giá bị đẩy lên cả chục lần. Dù không biết thương lái nước ngoài mua để làm gì nhưng vì lợi ích kinh tế nên người dân đã ồ ạt sản xuất và thu gom những nông sản này. Tuy nhiên, chỉ được vài lần họ bỏ cọc, “bom” hàng hoặc ngừng mua khiến cả người dân và thương lái trong nước điêu đứng, còn kinh tế, môi trường thì ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng những bài học cay đắng vẫn chưa khiến nhiều người tỉnh ngộ.
Một số tài khoản trên mạng xã hội Facebook đăng tải bài viết thu mua nông sản “lạ”
Cách làm của các thương lái nước ngoài thường là giấu mặt, bỏ tiền thuê người Việt là đầu mối thu mua, dùng hiệu ứng “tâm lý đám đông” truyền miệng ngầm định về cái lợi của việc mua nông sản, đánh đúng vào lòng tham “vì lợi ích trước mắt” của nhiều người. Những hành động mang tính chất vỏ bọc là giao thương này thực chất là hành động thao túng thị trường để chuộc lợi hoặc là hành động phá hoại có chủ đích. Chúng ta không nhận thức được mức độ nghiêm trọng lâu dài và có biện pháp thích ứng sẽ tạo ra những hệ lụy lâu dài đối với nông sản và nông dân như: Mùa màng bị phá hoại, môi trường sinh thái bị mất cân bằng, làm giảm sinh trưởng của cây, làm ảnh hưởng đến chăn nuôi, sức kéo bị triệt phá nghiêm trọng, ảnh hưởng đời sống cho từng gia đình nông dân, phá hoại thương hiệu, giảm giá trị nông sản của Việt Nam.
(ảnh minh họa)
Đầu tiên, thương lái nước ngoài sẽ tự nghĩ ra một sản phẩm gần như vô giá trị và ai cũng có thể kiếm được như đỉa, ốc bươu, lá vải khô, giun đất... Ban đầu, họ sẽ thu mua từ thương lái Việt Nam với giá cao ví dụ một triệu đồng một kg để thu hút sự chú ý. Sau một thời gian, các thương lái của ta thấy những thứ đó rất dễ kiếm mà lại bán được nhiều tiền, nên thi nhau thu gom mua của dân với giá rẻ hơn rồi bán lại cho thương lái nước ngoài. Sau khi đã ôm đủ số lượng hàng và hàng của dân cũng khan dần, thương lái nước ngoài sẽ tăng giá thu mua lên gấp nhiều lần.
Lúc này, thấy miếng mồi béo bở, các thương lái trong nước lại càng lùng sục mua bằng được, sẵn sàng trả giá cao cho người bán lại. Lợi dụng tâm lý đó, các thương lái nước ngoài sẽ âm thầm mở kho hàng ban đầu ra, giả vờ là các điểm thu gom của dân rồi bán lại cho thương lái của ta với giá cao hơn giá mua lúc trước. Khi giá được đẩy lên cao và số lượng hàng được các thương lái trong nước thu gom với số lượng lớn họ sẽ đột ngột ngừng mua và rời khỏi địa bàn. Việc ngừng mua đột ngột làm các thương lái trong nước lao đao vì hàng lỡ mua không biết bán cho ai. Người nông dân đã lỡ thu hoạch cũng không bán được hàng. Không ít người đã vì lợi ích trước mắt mà phải gánh chịu tổn thất lớn.
Việc nông sản “lạ” được rao bán với giá cao chót vót khiến ai cũng mong muốn làm giàu. Mặc dù trước đó đã có rất nhiều bài học từ những chiêu trò mua bán nông sản tương tự. Vậy nên, để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với hoạt động thu mua các mặt hàng nông sản “lạ”. Khi phát hiện có trường hợp mua bán, vận chuyển nông sản “lạ” trên địa bàn tỉnh, cần báo cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
Phòng An ninh đối ngoại