Thứ năm, 27/06/2024
(Thứ ba, 18/06/2024, 03:53 pm GMT+7)

Với những con người một thời lầm lỗi, hành trình hoàn lương tìm lại niềm tin trong cuộc sống, chỗ dựa tinh thần và có một công việc ổn định để sống và làm việc có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội cần cả một sự nỗ lực cố gắng không biết mệt mỏi. Họ cần có sự giúp sức của cộng đồng, người thân, đặc biệt là các cán bộ Công an ở cơ sở tạo điều kiện, động viên để tái hòa nhập cộng đồng.

Vượt lên chính mình

Mới sáng sớm, tiếng rì rì phát ra từ những chiếc máy khâu công nghiệp trong một xưởng may nhỏ của anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Hoàng Lại, xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã vang lên cùng tiếng nói cười trao đổi về kỹ thuật may mặc cũng như những câu chuyện đời thường của những người thợ may. Từng đường kim, mũi chỉ của họ đều được anh Bình hướng dẫn tỉ mỉ, cẩn thận sao cho đúng kỹ thuật, đẹp và nhanh nhất.

Anh Nguyễn Văn Chiến, 44 tuổi, ở xã Hoàng Lương của huyện cũng vào xưởng may này làm. Như không giấu được niềm vui, anh Chiến không ngần ngại và chia sẻ cởi mở câu chuyện của mình khi vào xưởng may này làm.

Sau 12 năm chấp hành hình phạt tù vì tội mua bán ma túy trái phép, anh Chiến trở về nhà từ tháng 3/2021. Năm đó là năm mà tỉnh Bắc Giang phải hứng chịu trận dịch COVID-19 khủng khiếp. Để có thể tìm được công ăn việc làm đối với những người bình thường đã khó, huống hồ là một người mới tái hòa nhập đồng cộng đồng như anh thì lại càng khó khăn vô cùng. Khi mà anh Chiến còn đang loay hoay chưa biết bước vào cuộc sống ra sao, xin việc nơi đâu để làm thì may mắn được giới thiệu tới làm tại xưởng may của anh Bình. Công việc ở đây đã tạo cho anh có việc làm ổn định, thu nhập gần chục triệu đồng mỗi tháng. Có công việc, có thu nhập, anh đã mang niềm vui về cho gia đình mình. Và, như anh chia sẻ, điều mà anh được lớn nhất là sự tự tin của bản thân trong hòa nhập với xã hội, với mọi người. Anh không còn e dè, tự ti về bản thân như trước đó.

Anh Nguyễn Văn Bình (áo kẻ) hướng dẫn kỹ thuật may cho công nhân khi mới vào làm tại xưởng may

Với anh Nguyễn Văn Bình thì niềm vui cũng được nhân lên gấp bội bởi anh cũng là một người từng có quá khứ lầm lỗi, cũng từng có những suy nghĩ, những cảm xúc như anh Chiến khi mới hòa nhập cộng đồng. Nhớ lại ngày anh được Nhà nước đặc xá, trở về nhà, đến những con đường làng quê anh ngày xưa quen thuộc là thế, nay cũng đổi khác đến lạ lẫm. Nhưng, với ý chí quyết tâm là phải bắt đầu cuộc sống mới bằng chính bàn tay và khối óc của mình, anh Bình đã tìm kiếm việc làm cho bản thân. Sẵn biết nghề may do được dạy nghề trong trại giam, anh Bình xin đi làm công nhân may mặc trong Công ty may Hà Phong ở huyện Hiệp Hòa. 4 tháng sau, anh không đi làm công nhân nữa mà quyết định mở xưởng may nhỏ của riêng mình.

Ban đầu, anh Bình phải nhờ địa điểm của người thân quen trong làng để mở xưởng. Sau đó, được chính quyền và công an địa phương giúp đỡ, anh đã được vay 100 triệu đồng tiền vốn từ Ngân hàng Chính sách, cộng với sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, tháng 7/2022, anh xây dựng được một khu nhà trên mảnh đất của gia đình để làm xưởng may gia công. Xưởng may của anh đã thu hút gần chục người tái hòa nhập cộng đồng về đây làm. Bên cạnh đó, anh cũng nhận những người lao động của địa phương có hoàn cảnh gia đình khó khăn mà không thể tới công ty, không thể đi làm xa được. Thậm chí, có những trường hợp hoàn cảnh khó khăn, phải đi lại xa thì anh cho mượn máy khâu mang về nhà làm. Những người lao động trong xưởng may của anh Bình mỗi tháng thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng, người lao động tích cực có thể đạt mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Mặc dù ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 và những khó khăn chung của nền kinh tế, song, hiện tại, cơ sở may của anh Bình vẫn duy trì, bảo đảm công ăn việc làm và thu nhập đều đặn cho hơn chục người thợ.

Giúp đỡ những người từng lầm lỡ là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Anh Bình chia sẻ: “Thời gian đầu khi trở về địa phương thì tôi cũng trải qua rất nhiều khó khăn. Và, tôi rất thấu hiểu với anh em sau khi chấp hành án xong trở về địa phương, nếu không có việc làm, không có nguồn thu ổn định để nuôi sống bản thân mình sẽ rất dễ sa ngã, bị bạn bè sẽ rủ rê sẽ dễ tái phạm. Với tâm tư đó, tôi rất thấu hiểu. Do đó, khi có anh em chấp hành xong án về địa phương trong xã hoặc các xã lân cận là tôi chủ động gặp gỡ động viên anh em đến xưởng nhà tôi làm. Ai chưa biết thì học việc mà ai biết rồi thì sẽ sắp xếp cho anh em để có công việc ổn định, có thu nhập cho bản thân và gia đình”.

Trước những bỡ ngỡ ban đầu của những ngày mới tái hòa nhập cộng đồng, anh Bình đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nhất là lực lượng Công an. Đại úy Tạ Văn Quy, Trưởng Công an xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa cho biết: “Khi anh Bình trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, công an xã đã hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký hộ khẩu, làm căn cước công dân, tư vấn pháp luật, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh Bình; đồng thời, tổ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng của địa phương đã giúp đỡ. Khi anh Bình có nguyện vọng vay vốn, Công an xã Thanh Vân chủ động liên hệ, gặp gỡ để nắm nguyện vọng xem anh Bình mong muốn làm việc gì.

Sau khi biết nguyện vọng mở xưởng may, Công an xã Thanh Vân đã báo cáo Đảng ủy, UBND xã, Ngân hàng Chính sách xã hội và anh Bình đã được vay 100 triệu đồng để mở xưởng may, vừa tạo công ăn việc làm cho bản thân và những người tái hòa nhập cộng đồng. Đối với các trường hợp người lao động đến làm việc tại xưởng may của anh Bình, cảnh sát khu vực hướng dẫn khai báo lưu trú. Hằng tháng, anh em cảnh sát khu vực thường xuyên nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của anh Bình; đồng thời, có trao đổi, liên hệ với một số công ty, doanh nghiệp để có đầu việc giao cho anh Bình làm như: cắt, là”...

Bên cạnh sự giúp đỡ, động viên ấy, bản thân anh Nguyễn Văn Bình cũng là một người khá nhạy bén. Anh không tự ti, e ngại mà luôn biết tranh thủ sự giúp đỡ của những người xung quanh. Trên địa bàn huyện Hiệp Hòa có anh Lê Xuân Tráng là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thời trang Hà Thanh có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh ngành may mặc ba mươi năm nay. Anh Bình đã luôn tranh thủ sự động viên, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của anh Tráng từ ý chí vươn lên, tư duy làm việc, cách tìm kiếm nguồn hàng, kỹ thuật may mặc, đầu ra cho sản phẩm... Bản thân anh Lê Xuân Tráng đã trực tiếp đến xưởng may của anh Bình để tham quan, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm.

Công an huyện Hiệp Hòa, Công an xã Hoàng Thanh và anh Lê Xuân Tráng trò chuyện với công nhân tại xưởng may

Anh Tráng cởi mở chia sẻ: “Thị trường may mặc cần một quá trình dài, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ năng thành thạo về nghề. Và, nhất là trong thời buổi đặc biệt khó khăn như thế này, đối với doanh nghiệp lớn hơn 1.000 công nhân như chúng tôi còn đang gặp rất nhiều khó khăn; trong khi đó, anh Bình vẫn giữ được công ăn việc làm cho hơn chục người lao động như vậy thì tôi cũng cảm nhận đó là một sự nỗ lực rất lớn. Chính sự nỗ lực ấy của anh Bình khiến tôi lại có thêm động lực để muốn chia sẻ, giúp đỡ anh ấy ngày một phát triển hơn”.

Anh Bình cho hay, anh Lê Xuân Tráng đang có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ anh Bình mở rộng xưởng may để làm sao đảm bảo thêm khoảng chục người lao động đến đây làm việc, không những tạo công ăn việc làm cho người lao động quê anh mà còn tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Tấm lòng rộng mở

Có một thực tế không thể phủ nhận là, với mỗi người từng có một thời lầm lỗi, khi tái hòa nhập cộng đồng thì tìm kiếm công việc làm phù hợp không hề dễ dàng chút nào. Chị Nguyễn Thị Hường ở xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa là một người như thế. Sau khi trở về địa phương, chị đã đến một số công ty điện tử để tìm việc, tuy nhiên, những công ty này không nhận chị vào làm việc. Chị tiếp tục kiếm tìm việc làm và thật may mắn đã có anh Lê Xuân Tráng dang vòng tay tay đón nhận chị vào làm việc. 3 năm nay, chị Hường đã có công việc, thu nhập ổn định. Chị chia sẻ: “Khi vào công ty làm, tôi được các chị em đồng nghiệp giúp đỡ, đặc biệt là anh Tráng luôn động viên, giúp đỡ và truyền cảm hứng làm việc cho tôi. Nhờ đó, tôi đã bỏ qua được mặc cảm, có nguồn thu nhập ổn định chăm lo cho hai đứa con”.

Anh Vũ Hồng Tuân (sinh năm 1983), ở xã Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa cũng mất nhiều thời gian chật vật tìm việc làm. Lớn tuổi, lại từng có án tích nên xin việc ở đâu cũng bị từ chối. Qua giới thiệu, anh tìm đến Tổng Giám đốc Lê Xuân Tráng, đến nay, công việc với mức thu nhập trung bình 9 triệu đồng mỗi tháng đã giúp anh có cuộc sống ổn định. Anh Tuân chia sẻ: “Từ lúc tôi vào công ty làm việc, anh Lê Xuân Tráng cứ thỉnh thoảng lại xuống hỏi thăm công việc của tôi có ổn định không, xem có khó khăn gì không. Sự động viên, giúp đỡ của anh Tráng khiến tôi càng có động lực để làm việc và sẽ phấn đấu trở thành công nhân tốt”.

Gần 10 năm qua, hàng trăm công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tái hòa nhập cộng đồng, người khuyết tật đã được anh Lê Xuân Tráng mở rộng vòng tay đón nhận, tạo điều kiện làm việc, giúp cho người tái hòa nhập cộng đồng và những người có hoàn cảnh khó khăn có thu nhập ổn định, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Anh Lê Xuân Tráng cho biết: “Với doanh nghiệp của tôi thì tôi nhận rất nhiều người tái hòa nhập cộng đồng; có những người trước đó có bản án cao, sau khi được trở về với quê hương và vào công ty của tôi, tôi cũng chia sẻ, động viên họ rất nhiều về cuộc sống. Bên cạnh đó, tôi cũng trao đổi với các lãnh đạo công ty thường xuyên quan tâm, động viên và thăm hỏi họ. Đến thời điểm hiện tại, tôi thấy các anh chị tái hòa nhập cộng đồng đến làm việc ở doanh nghiệp tôi rất thoải mái, không có gì là tự ti, mặc cảm cả”.

Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang thường tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng phấn đấu cho phạm nhân.

Trung tá Phạm Quốc Việt - Phó trưởng Phòng Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Bắc Giang cho hay: “Không chỉ nhận lao động, đào tạo nghề, anh Lê Xuân Tráng còn thường xuyên tham gia các buổi thiện nguyện, đến tận các trại giam để chia sẻ, truyền cảm hứng cho phạm nhân đang chấp hành án có động lực để lao động, cải tạo, thắp sáng cho họ ước mơ hoàn lương. Anh Tráng còn đến tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tổ chức với một cánh cửa doanh nghiệp luôn rộng mở, đón chào. Chính những việc làm ấy của anh Tráng đã góp phần chung tay giúp đỡ những người một thời lầm lỗi hoàn lương, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội”.

Hành trình hoàn lương - hành trình làm lại cuộc đời đối với những người tái hòa nhập cộng đồng không chỉ cần sự nỗ lực của chính họ mà rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội để thật sự trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Minh Thuý

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp