Thời gian gần đây, các hiện tượng tôn giáo mới và hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật (hay gọi là các “tà đạo”, “đạo lạ”) mượn danh nghĩa các tín ngưỡng dân tộc và giáo lý, giáo luật các tôn giáo để hoạt động xuất hiện ngày càng nhiều, mở rộng địa bàn hoạt động đến nhiều tỉnh, thành phố. Theo thống kê sơ bộ, tính đến tháng 6/2023 trên cả nước có khoảng 100 “tà đạo”, “đạo lạ” đã và đang tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng và hợp pháp của người dân, sự ổn định của xã hội và tình hình an ninh chính trị, an ninh trật tự, trong đó có một số “tà đạo”, “đạo lạ” bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước.
(Cơ quan Công an thu giữ nhiều tài liệu của tổ chức “Thanh Hải Vô Thượng Sư” nhằm tuyên truyền trái pháp luật)
Phương thức, thủ đoạn hoạt động và mục đích chính của số đối tượng cầm đầu các “tà đạo”, “đạo lạ” có những điểm chung là mượn các giáo lý, giáo luật của các tôn giáo chính thống, hoặc tín ngưỡng, phong tục tập quán dân tộc… tạo thành các “giáo lý, giáo luật riêng” để tuyên truyền, lôi kéo. Sau khi tạo được lòng tin và lôi kéo được đông người tham gia, chúng tiến hành tuyên truyền mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản (như: Hội thánh của Đức chúa trời mẹ; Năng lượng gốc trống đồng Việt Nam…) nhằm phục vụ lợi ích cho cá nhân của đối tượng cầm đầu hoặc một nhóm người, hoạt động trên đã thu hút một bộ phận quần chúng nhân dân tin theo gây nhiều hệ lụy cho các gia đình, cộng đồng xã hội mặc dù đã bị xã hội lên án. Một số “tà đạo”, “đạo lạ” được các thế lực thù địch hậu thuẫn, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số (như: Bà Cô Dợ, Dương Văn Mình, Thanh Hải Vô Thượng Sư…) tham gia hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Khi bị chính quyền phát hiện, xử lý thì các thế lực thù địch, phản động sẽ lợi dụng để xuyên tạc, kích động, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tiến tới thực hiện “diễn biến hòa bình”, gây mất ổn định về an ninh chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.
Đáng chú ý, nhiều trường hợp tin theo khi nhận thức ra tính nguy hại của các “tà đạo”, “đạo lạ” muốn từ bỏ thì bị các đối tượng dọa nạt, ép buộc, sử dụng hình ảnh của “đấng siêu nhiên”, “ma quỷ”… để đe dọa, cưỡng ép khiến cho họ phải làm theo “đức vâng lời”; theo chỉ đạo của những kẻ mượn danh thần linh, số người tham gia được hướng dẫn cách thức tuyên truyền, lôi kéo những người khác cùng tham gia, đồng thời yêu cầu người tham gia phải giữ bí mật, không tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư và phong tục tập quán của dân tộc, nếu ai lôi kéo được nhiều người tham gia sẽ “tăng pháp, đắc đạo”, được thần linh “ban phước”, được giữ những vị trí, vai trò nhất định trong các tổ chức.
Chính vì vậy, việc nhận diện đúng đắn các “tà đạo”, “đạo lạ” nêu trên sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân. Qua đó giúp chúng ta hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là “tà đạo”, hạn chế được những tác hại đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân và ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội. Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, không tham gia, tin nghe theo; báo ngay cho lực lượng Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất khi phát hiện hoạt động tuyên truyền, tán phát tài liệu liên quan đến các “tà đạo”, “đạo lạ” để xử lý, ngăn chặn sớm./.
Đội An ninh tôn giáo, Phòng An ninh nội địa!