Thứ bảy, 18/05/2024
(Thứ sáu, 14/07/2023, 07:54 am GMT+7)

Năm 2022, khi một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án phát triển KT-XH thì không ít người dân cố tình không chấp hành các quy định của Nhà nước, có đơn thư khiếu kiện, đòi hỏi vô lý. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Tạ Miên Linh, trú tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã tùy tiện đưa ra nhiều thông tin không đúng về các chế độ, chính sách liên quan.

Ông Tạ Miên Linh cùng một số người dân ở thị trấn Tân An (Yên Dũng) trong một lần ra Hà Nội gửi đơn khiếu kiện. 

Tạ Miên Linh cùng một số người dân ở thị trấn Tân An (Yên Dũng) trong một lần ra Hà Nội gửi đơn khiếu kiện. 

Tư vấn pháp luật trái phép

Dự án Khu đô thị mới phía Tây thị trấn Vôi (Lạng Giang) được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để phát triển đô thị. Dự án chia làm 3 giai đoạn với 79,06 ha thuộc địa bàn các tổ dân phố: Thống Nhất, Chu Nguyên, Kim Sơn và Ổ Chương, thuộc thị trấn Vôi. Đây là dự án có nhiều tác động trong việc thúc đẩy KT- XH của địa phương do đó Huyện ủy Lạng Giang xác định cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thi công.

Qua nhiều lần tuyên truyền, vận động và triển khai các bước về công tác đền bù GPMB, tính đến thời điểm tháng 3/2022, dự án đã có 747/750 hộ nhận tiền đền bù; chỉ còn 3 hộ ở tổ dân phố Chu Nguyên không bàn giao mặt bằng vì muốn được đền bù mức giá cao hơn so với quy định hiện hành.

Ngày 16/3/2022, khi UBND huyện Lạng Giang tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án thì một số hộ dân có đất trong diện cưỡng chế đã liên hệ với Tạ Miên Linh để “tư vấn pháp lý” đòi quyền lợi cao hơn vì nghĩ rằng Linh là “luật sư”. Chiều 3/4/2022, vị 'luật sư' này đã đến tổ dân phố Chu Nguyên tư vấn cho một số hộ đang có đất trong diện UBND huyện Lạng Giang cưỡng chế thu hồi trước đó. Ông Nguyễn Văn C ở thị trấn Vôi nhớ lại: “Ông Tạ Miên Linh nói nhiều về các chế độ, chính sách liên quan đến đền bù GPMB, trong đó khẳng định việc áp dụng chính sách đền bù GPMB của huyện là chưa đúng quy định. Khi ấy, chúng tôi cứ nghĩ những gì ông Linh nói là có cơ sở”.

Tại đây, Tạ Miên Linh đã đưa ra nhiều thông tin không đúng về việc thực hiện công tác đền bù GPMB của UBND huyện Lạng Giang. Linh tùy tiện cho rằng, UBND huyện đã làm trái luật khi thu hồi đất, bồi thường GPMB mà không hề đưa ra bằng chứng cụ thể. Linh quy kết lãnh đạo UBND huyện Lạng Giang đã cho phép Công ty cổ phần Thương mại Tuấn Mai - chủ đầu tư dự án tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất của dân. Đây là biểu hiện “lợi ích nhóm”. Trong clip phát trực tiếp trên mạng xã hội ngày 5/4/2022, ông này lớn tiếng xuyên tạc: “Bắc Giang thực thi pháp luật theo luật riêng, không phải là của Nhà nước ban hành” (!?)

Sau cuộc tổ chức “tư vấn” pháp luật cho những hộ có đất bị cưỡng chế thu hồi ở thị trấn Vôi, thông tin về việc “luật sư” Linh “mạnh dạn” đòi quyền lợi cho người dân được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và qua việc truyền tai nhau giữa những người đi khiếu kiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Từ đó, nhiều người dân ở các địa phương khác, như: Yên Dũng, Lục Nam, Yên Thế và Việt Yên đã liên hệ với Tạ Miên Linh “mời” về địa phương giúp đỡ, đấu tranh đòi quyền lợi không chính đáng của bản thân.

Cũng như những lần về “tư vấn” pháp luật cho một số người ở thị trấn Vôi, tại những nơi đến “tư vấn” cho người dân đang có đơn thư khiếu kiện ở các huyện khác, Tạ Miên Linh đều đưa ra những nhận định, đánh giá không đúng về việc chính quyền địa phương triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.

Đơn cử như, trong lần về “tư vấn” cho một số hộ dân ở tổ dân phố Long Trì, thị trấn Tân An (Yên Dũng) liên quan đến công tác đền bù GPMB để thực hiện dự án Khu đô thị mới Long Trì, Linh cho rằng, mặc dù Chính phủ chưa cho phép nhưng tỉnh Bắc Giang đã tự động để một số doanh nghiệp tư nhân thu hồi đất của dân. Linh viện dẫn Luật Đất đai năm 2013 một cách chung chung rằng, khi thu hồi đất của dân, nếu Nhà nước có đất ở nơi khác thì trả cho dân tương xứng với diện tích bị thu hồi hoặc trả giá chênh lệch tùy từng vị trí để bù trừ cho dân thỏa đáng…

Từ những thông tin không đúng sự thật trên khiến nhiều người hiểu lầm chính quyền địa phương không thực hiện đúng quy định của Nhà nước, “cướp đất của dân”, từ đó không đồng thuận với phương án đền bù GPMB do cơ quan chức năng đưa ra.

Các dự án có tuân thủ quy định của pháp luật?

Tìm hiểu thực tế cho thấy, dự án Khu đô thị mới Long Trì được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 797 ngày 4/9/2020. Theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai năm 2013, dự án Khu đô thị mới Long Trì thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT- XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; không như Tạ Miên Linh cho rằng dự án này thuộc diện doanh nghiệp tự thoả thuận đền bù với dân.

Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết, các khoản bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc tổ dân phố Long Trì được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 47 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và các quy định liên quan của UBND tỉnh.

Chủ đầu tư dự án Khu đô thị phía Tây thị trấn Vôi (Lạng Giang) đang tập trung thi công hạng mục đường giao thông nội bộ.

Chủ đầu tư dự án Khu đô thị phía Tây thị trấn Vôi (Lạng Giang) đang tập trung thi công hạng mục đường giao thông nội bộ.

Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Tân Á Hoàng Minh (địa chỉ ở số 2, tầng 3, đường Nguyễn Thị Lưu, phường Trần Phú, TP Bắc Giang) và Công ty TNHH Hữu Nghĩa Land LG (địa chỉ thôn Tân Hòa, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang) để thực hiện dịch vụ tư vấn lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định. Hoàn toàn không có chuyện lãnh đạo Công ty cổ phần Tân Á Hoàng Minh là người Bắc Ninh nhưng sang “thâu tóm” đất ở huyện Yên Dũng, trong đó có khu vực Long Trì như Tạ Miên Linh từng nói.

Được biết, sau khi ký hợp đồng, hai công ty trên đã phối hợp các cơ quan chức năng của huyện, UBND thị trấn Tân An và Ban quản lý tổ dân phố Long Trì tiến hành triển khai thực hiện các bước lập hồ sơ thu hồi, bồi thường GPMB theo đúng quy định của pháp luật. Bà Đỗ Thị Vinh, một hộ dân ở tổ dân phố Long Trì chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 280 m2 đất nông nghiệp thuộc diện thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị mới Long Trì. Trong quá trình bồi thường GPMB, chúng tôi được đơn vị chức năng và chính quyền, đoàn thể địa phương nhiều lần tổ chức tuyên truyền, giải thích cụ thể về các chế độ, chính sách liên quan. Hiện gia đình tôi cùng nhiều hộ khác đã nhận đủ tiền bồi thường GPMB, mong dự án sớm đẩy nhanh tiến độ thi công”.

Tương tự, dự án Khu đô thị mới phía Tây thị trấn Vôi cũng được thực hiện các bước đền bù GPMB bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đây là dự án do Nhà nước đứng ra thu hồi đền bù GPMB, chứ không phải do doanh nghiệp - chủ đầu tư thực hiện. Và cũng không có chuyện áp dụng sai quy định của Nhà nước như Tạ Miên Linh từng đưa ra. Hiện nay, dự án đã cơ bản xong công tác đền bù GPMB, chỉ còn 26 ngôi mộ chưa di chuyển được. 

Ông Nguyễn Hữu Đang, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Quản lý trật tự giao thông, xây dựng, môi trường huyện Lạng Giang cho biết, không riêng dự án Khu đô thị mới phía Tây thị trấn Vôi, việc thực hiện chính sách đền bù GPMB của tất cả các dự án khác trên địa bàn huyện đều áp dụng theo Quyết định số 10, ngày 25/5/2019 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quy định về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Các bước tiền hành đền bù GPMB đều công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật, được đông đảo người dân đồng thuận.

 

Theo Báo Bắc Giang

 
Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp