Thứ bảy, 18/05/2024
(Thứ năm, 19/01/2023, 11:14 am GMT+7)

      Hiện nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo, trong đó tỉnh Bắc Giang có 2 tổ chức tôn giáo được công nhận hoạt động là Công giáo và Phật giáo.

      Trong những năm qua, các tổ chức tôn giáo được tạo thuận lợi trong hoạt động. Đồng bào các tôn giáo ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; gắn bó, đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thời gian qua, một số loại hình tín ngưỡng, tôn giáo mới, "đạo lạ", các hoạt động mang tính tâm linh, mê tín dị đoan xuất hiện, làm xáo trộn đời sống văn hóa, tinh thần, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân.

      Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời gian diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, phân biệt với các hình thức “trá hình” khác, mê tín, dị đoan, tránh “tiền mất, tật mang” hoặc vi phạm pháp luật.

(Ảnh: Một số tài liệu phản khoa học do cơ quan chức năng thu giữ)

 

      Đặc điểm chung của một số loại hình tôn giáo trái pháp luật, “tà đạo” như: Đưa ra tà thuyết về "ngày tận thế"; cóp nhặt các giáo lý, quan điểm của các tôn giáo đã được công nhận (Công giáo, Phật giáo); đối tượng tôn thờ là người sáng lập ra tổ chức (người tự coi mình là “giáo chủ"). Các hiện tượng mới này không có hệ thống giáo lý, giáo luật và nghi lễ thực hành tôn giáo cố định. Một số còn lồng ghép những hoạt động trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản khoa học như: Khuyên người ốm không dùng thuốc, chỉ cần cúng, dâng hoa, cầu nguyện, dùng "nước thánh" là khỏi; khi tham gia vào tổ chức phải bỏ bàn thờ tổ tiên, chỉ cần thờ phụng “giáo chủ”…

      Đối tượng hướng đến của các tổ chức mang màu sắc tôn giáo trên khá đa dạng; tuy nhiên, tập trung đánh vào tâm lý những người đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, hoạn nạn, bệnh tật, người nghèo, người già, thậm chí cả cán bộ công nhân, viên chức đang công tác hoặc đã nghỉ hưu.

(Ảnh sư tầm: Tập trung sinh hoạt vi phạm pháp luật)

 

      Hoạt động của các hình thức trên mang lại hậu quả, hệ lụy xấu đối với xã hội và từng gia đình, thành viên tin theo như: Thực hành mê tín dị đoan, tín ngưỡng phản khoa học, trái với thuần phong, mỹ tục; gây hao tổn về thời gian, tiền bạc, sức khỏe của nhân dân, mất đoàn kết trong gia đình, làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội…

      Công an tỉnh đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, không tham gia hoặc thực hành các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, hoạt động mê tín, dị đoan như trên, bao gồm cả trên không gian mạng. Trường hợp người dân phát hiện thông tin, đề nghị kịp thời báo ngay cho lực lượng Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất để xử lý, ngăn chặn./.

An ninh tôn giáo

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp