Chủ nhật, 19/05/2024
(Thứ ba, 18/04/2023, 09:21 pm GMT+7)

Dính bẫy lừa đảo vì lộ thông tin

Làm chủ cửa hàng tạp hóa - chị Tô Lan P ở xã Ngọc Lý và chị Nguyễn Thị C ở xã Cao Xá, cùng huyện Tân Yên đều chưa quên được vụ lừa đảo xảy ra hồi tháng 3/2022. Do đang cần mối cung cấp nguồn hàng kinh doanh bán lẻ, hai chị có bài đăng trên một số nhóm facebook, vô tình để lại số điện thoại liên hệ. Việc làm này không ngờ trở thành “miếng mồi” cho nhóm lừa đảo. 

Bắc Giang, Lộ lọt, thông tin, cá nhân

Cán bộ Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ (Công an tỉnh) tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm cho người dân xã Yên Sơn (Lục Nam).

Sau khi có được số điện thoại của hai chị, đối tượng: Lê Văn Cường (SN 1986) trú tại thôn Đồng Lực, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) và đồng bọn lấy sim rác gọi điện, tự xưng là nhân viên tổng kho giao buôn có các mặt hàng, đề nghị hai chị gửi định vị qua zalo để về trực tiếp tư vấn hàng hoá. Sau đó, chúng về mang theo nhiều loại hàng hóa và tự tạo ra sức ép về thời gian, yêu cầu hai chị chuyển tiền ngay. 

Do tin tưởng, chị P và chị C đã nhận lời mua hàng, mỗi người đã chuyển cho nhóm đối tượng gần 50 triệu đồng. Sau khi nhận tiền chúng rời đi, tháo vứt bỏ sim, hai chị không liên lạc được. Vụ việc sau đó được Công an huyện Tân Yên điều tra làm rõ. 

Cùng năm 2022, bà D.T.T ở xã Phúc Hòa (Tân Yên) ra ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Tân Yên làm thủ tục chuyển 236 triệu đồng. Trước đó, bà nhận được một cuộc điện thoại của người lạ tự xưng là cán bộ cơ quan tố tụng yêu cầu chuyển tiền để chứng minh số tiền tiết kiệm không liên quan đến đường dây buôn bán ma túy. Sau khi chứng minh xong, đối tượng sẽ mang tiền về tận nhà trả lại cho bà T. 

Do thiếu hiểu biết, lo lắng và muốn được minh oan nên bà T đã mang 3 sổ tiết kiệm đến ngân hàng định rút toàn bộ số tiền trên để chuyển vào tài khoản theo yêu cầu của đối tượng. May mắn khi làm thủ tục, bà được cán bộ giao dịch ngân hàng nhanh chóng ngăn chặn. Theo điều tra của cơ quan chức năng, các đối tượng đã nắm rõ các thông tin cá nhân của bà D.T.T trên căn cước công dân. 

Một phụ nữ khác ở TP Bắc Giang khi chuyển nhầm tiền cho một tài khoản đã đăng tải câu chuyện, số tài khoản ngân hàng của mình lên mạng xã hội. Lợi dụng sơ hở này, đối tượng xấu đã giả danh là cán bộ ngân hàng, bảo chị muốn lấy lại tiền cần làm theo một số thao tác. Khi ấn vào đường link lạ do hắn gửi, chị đã bị lấy đi hơn 300 triệu đồng trong tài khoản.

Nâng cao cảnh giác

Thông tin cá nhân hiểu đơn giản là họ tên, tuổi, hình ảnh, ngày tháng năm sinh, thói quen, nơi ở, số điện thoại, địa chỉ email, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công việc, tài khoản ngân hàng... 

Hiện nay phần lớn các giao dịch, hoạt động đời sống đều diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội, qua internet, bởi vậy nguy cơ lộ lọt thông tin, hình ảnh cá nhân là rất lớn. Nguyên nhân có thể do người dùng tự làm lộ lọt thông tin khi có hoạt động trên mạng xã hội, internet mà không biết hoặc do các cơ sở dịch vụ thu thập thông tin song không bảo đảm an ninh dẫn tới bị đánh cắp. 

Đơn cử như những thông tin cá nhân được người dùng chia sẻ khi tham gia các ứng dụng như: Facebook, zalo, instagram hay khai báo khi sử dụng các app tiện dụng, giao dịch thương mại điện tử. Điểm chung khiến những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra trót lọt là do kẻ xấu đã thu thập, tìm hiểu về thông tin cá nhân của bị hại trước khi thực hiện "giăng lưới", kết hợp với thông tin thời sự đang được xã hội quan tâm. 

Việc điều tra, xác minh, xử lý tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hết sức khó khăn. Bởi lẽ đây là hoạt động xuyên biên giới, xuyên không gian và thời gian; giao dịch giữa đối tượng và bị hại đều trên mạng xã hội, không gặp gỡ trực tiếp. Trong khi đối tượng sử dụng nhiều phần mềm công nghệ tiên tiến còn đa phần người dân hiểu biết công nghệ còn hạn chế.

Trao đổi với Thiếu tá Chu Văn Hiệu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) được biết, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. 

Phòng đã phối hợp với các đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền trực tiếp, qua các kênh truyền thông, hệ thống zalo OA của lực lượng công an giúp người dân nâng cao cảnh giác, có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân trước nguy cơ lừa đảo. Tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác phòng ngừa. Tăng cường công tác nắm tình hình, xác định đối tượng có biểu hiện nghi vấn thu thập, mua bán, sử dụng trái phép thông tin cá nhân để thực hiện hành vi trái pháp luật. 

Trong giai đoạn chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, việc sử dụng mạng xã hội, internet là hoạt động thường xuyên, vì thế mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, có ý thức bảo mật thông tin liên quan đến bản thân và người thân của mình. Không cho mượn, cho thuê hoặc mua bán các loại thẻ, giấy tờ tuỳ thân; hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên không gian mạng. 

Đặc biệt người dân cần thận trọng khi sử dụng mạng xã hội để kết nối, đăng nhập vào thiết bị, ứng dụng thứ ba khác là wifi, máy tính công cộng hoặc app chỉnh sửa ảnh...

Theo Báo Bắc Giang

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp