Thứ hai, 20/05/2024
(Thứ ba, 08/06/2021, 10:44 am GMT+7)

        Lợi dụng vào tình hình dịch bệnh, một số  đối tượng cơ hội chính trị, phản động đã thông tin sai lệch, xuyên tạc gây tâm lý hoang mang, bức xúc với người dân
        Hơn một tháng qua, Việt Nam đối diện đợt bùng phát thứ tư dịch bệnh COVID-19. Cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “chủ động tấn công phòng, đi trước chặn đầu dập dịch”, quyết tâm để đẩy lùi, chiến thắng đại dịch. Tuy nhiên, lợi dụng vào tình hình dịch bệnh, một số cá nhân, tổ chức phản động đã đăng tải thông tin sai lệch, xuyên tạc lên các trang mạng xã hội gây tâm lý hoang mang, bức xúc với người dân.
Trên mạng xã hội Facebook, Youtube, nhiều cá nhân đăng tải thông tin sai lệch theo hướng nghiêm trọng hóa tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang. Một số thông tin sai sự thật, có ý xuyên tạc, phê phán chính quyền, hệ thống chính trị lơ là, thờ ơ, giảm mức độ quyết liệt với công tác phòng, chống dịch bệnh. Các đối tượng cơ hội chính trị, phản động cho rằng “chính quyền Việt Nam không sớm giãn cách, cách ly xã hội toàn tỉnh, thậm trí toàn quốc dẫn đến bùng phát dịch bệnh, không thể kiểm soát”. Những thông tin này sau khi được lan truyền trên mạng xã hội đã gây tâm lý lo lắng, bức xúc với người dân. Lực lượng Công an nhanh chóng phát hiện, làm rõ, đấu tranh với số đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh đồng thời tham mưu chính quyền địa phương xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi được cơ quan Công an tuyên truyền, giải thích, các cá nhân, đối tượng vi phạm đều nhận thức rõ hành vi sai trái và tự nguyện gỡ bỏ bài viết.
        Các trang Facebook, báo đài phản động như: Việt Tân, đài RFA, RFI, BBC, VOA… đăng tải hàng loạt bài viết “đánh lận bản chất” như: “Việt Nam huy động cử tri đi bỏ phiếu bất chấp dịch bệnh”, “Việt Nam đến đợt dịch thứ tư mới khẩn trương lập quỹ vaccine: mất bò mới lo làm chuồng”… Họ đưa ra luận điệu xuyên tạc, phê phán Nhà nước, hệ thống chính trị chỉ lo bầu cử, sắp xếp “đấu đá ghế ngồi” mà lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh. Họ công kích Việt Nam “chủ quan để dịch lây nhiễm, trong khi người dân luôn phải “sống cảnh nơm nớp” thì Chính phủ chỉ lo mặc cả nước này, nước nọ, đàm phán mà chưa có vaccine”. Lợi dụng Chính phủ đưa sáng kiến, kêu gọi cộng đồng xây dựng quỹ vaccine, họ xuyên tạc: “huy động mọi nguồn lực và đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiền mua vaccine là hành động ăn xin, ăn mày, đây là cơ hội “béo bở” cho những thành phần tham nhũng trong chính quyền các cấp”. Đây là những luận điệu xuyên tạc với mục đích công kích, chống phá nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam trong công tác bầu cử và phòng chống dịch bệnh.
        Chiến lược chống dịch rõ ràng, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta
       Tại chương trình Tọa đàm “ Tấn công dập dịch” ngày 24/5/2021, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ quốc gia về phòng, chống dịch Covid – 19 cho biết: Về chiến lược, ngay từ đầu Việt Nam đã có một chiến lược rõ ràng, được thể hiện trong các văn bản của cả Bộ Chính trị, của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia rất xuyên suốt: "Đến giờ phút này, chúng ta chưa có gì thay đổi những vấn đề có tính chiến lược. Ngay từ ban đầu, chúng ta xác định huy động toàn dân chống dịch. Điều này vẫn không thay đổi trong các đợt dịch. Điều thứ hai là xác định phải sớm hơn một bước và cao hơn một mức, phải lường đến tình huống xấu để tình huống không xấu đi, phải lường đến tình huống xấu nhất để tình huống xấu nhất không xảy ra. Những giải pháp được xem là nguyên tắc chống dịch đó là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực vẫn được thực hiện đầy đủ trong thời điểm hiện tại".

Nói về vấn đề giãn cách xã hội, hay cách ly xã hội, phong tỏa, Phó Thủ tướng cho biết bản chất của việc này nằm ở chữ "khoanh vùng". "Ngay từ đầu chúng ta xác định mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển sản xuất. Bởi vậy, phải khoanh vùng sao cho gọn nhất để chống dịch và vẫn đảm bảo đời sống sản xuất của nhân dân". Phó Thủ tướng cho biết, có hai yếu tố quan trọng cho phép chúng ta kiểm soát tình hình sát hơn trước, tốt hơn trước: Thứ nhất là năng lực và sự hiểu biết của đội ngũ nhân viên y tế về dịch COVID-19 và virus SARS-CoV-2 đã khác xa so với ngày đầu. Thứ hai cực kỳ quan trọng là năng lực xét nghiệm của Việt Nam bây giờ đã xa so với ngày xưa, tức là khả năng nắm bắt và đuổi kịp của chúng ta tốt hơn trước rất nhiều. Hiện nay, như ở Bắc Giang, Bắc Ninh, 1 ngày bằng nhiều công nghệ, kể cả gộp mẫu, đã xét nghiệm được cả trăm nghìn mẫu.
        Cả hệ thống chính trị và toàn dân đoàn kết, thần tốc chống dịch và tình người, nghĩa cử cao đẹp
       Trong hơn một tháng qua, từ Trung ương đến địa phương, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tập trung lãnh đạo, tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần quyết liệt, thần tốc “chống dịch như chống giặc”, “chủ động tấn công, đi trước chặn đầu, không chạy theo sau dịch bệnh”, bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế thời gian qua, Việt Nam huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn dân để nhanh chóng kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch bệnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch, không để bị động, bất ngờ. Với kết quả đạt được, Việt Nam đã khống chế thành công, hiệu quả nhiều đợt dịch bệnh được nhân dân đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Từ thực tế đó, có thể thấy không có chuyện chúng ta lơ là, thờ ơ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều người đã rơi nước mắt khi chứng kiến những hình ảnh đẹp của các “chiến binh áo trắng”, các cán bộ chiến sỹ CAND đến “chia lửa”, hỗ trợ chống dịch cho Bắc Giang, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc của đồng bào ta trong lúc khó khăn.
        Việc Chính phủ nêu sáng kiến, kêu gọi hình thành quỹ vaccine lúc này là rất cần thiết, không phải bây giờ mới có mà ngay từ khi Chính phủ lâm thời mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần kêu gọi như “Hũ gạo chống đói”, “Tuần lễ vàng”... Đó không chỉ là chia sẻ với Nhà nước mà còn là nghĩa đồng bào, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp, nhân văn của chế độ. 
        Những luận điệu xuyên tạc trên mạng xã hội như một thứ virut độc hại được các đối tượng phát tán nhằm đầu độc tư tưởng, nhận thức của nhân dân. Thế nhưng, sức đề kháng của mỗi người dân Việt Nam ngày càng tốt khi nhận thức, hiểu biết chính trị từng bước được nâng cao, trở thành “tấm khiên” vững chắc để ngăn chặn virut độc hại.
Lợi dụng dịch bệnh để thông tin sai trái, xuyên tạc với mục đích kích động, chống phá hay giật gân, câu view… là hành vi phạm pháp, vô cảm, vô đạo đức trong lúc dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Người dân khi phát hiện những thông tin như vậy cần cảnh giác, không chia sẻ, đồng thời lên án, đấu tranh phản bác, thông tin cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn.
 

Tác giả: Công an huyện Lục Nam

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp