Thượng tá Phùng Văn Huế, Trưởng phòng Chuyên đề, Nghiên cứu khoa học, Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an. (Ảnh: Thu Lan) |
Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 8/2023, Thượng tá Phùng Văn Huế, Trưởng phòng Chuyên đề, Nghiên cứu khoa học, Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an đánh giá, các trại giam thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho phạm nhân bảo đảm đúng quy định của pháp luật; các biện pháp giáo dục phạm nhân luôn đề cao tính nhân văn, thượng tôn pháp luật. Trong đó, chế độ lao động, chế độ gặp thân nhân, nhận, gửi thư, nhận đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân cũng được nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân cũng được thực hiện nghiêm túc và có sự phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh cũng như gia đình phạm nhân. Theo số liệu do Bộ Công an cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2023, các trại giam thuộc Bộ Công an đã khám, phát thuốc thông thường cho hơn 3.200.000 lượt phạm nhân; điều trị tại bệnh xá hơn 43.300 lượt phạm nhân; khám, điều trị tại bệnh viện 1.900 lượt phạm nhân, trại viên, học sinh. Tổ chức phun khử khuẩn phòng, chống các loại dịch bệnh đảm bảo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, phòng, chống dịch bệnh theo mùa.
“Nhằm khuyến khích người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước và trở thành người có ích cho xã hội, tùy từng trường hợp phạm nhân có thể được xét đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hay tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Chính sách giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân được tiến hành công khai, dân chủ, minh bạch, có tác dụng động viên, giáo dục phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ” - Thượng tá Phùng Văn Huế cho biết.
Tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2023, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an đã thực hiện 02 đợt xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân. Các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an đã lập hồ sơ đề nghị và được Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cho hơn 720 phạm nhân, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho hơn 64.000 phạm nhân, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho hơn 70 phạm nhân.
Triển khai hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, từng bước cảm hóa phạm nhân sớm trở thành người có ích cho xã hội
Nhiệm vụ của công tác giáo dục cải tạo là nhằm giúp phạm nhân biết ăn năn, hối cải, nhận rõ tội lỗi của mình, thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống theo hướng tích cực và giúp họ sớm trở thành người có ích cho xã hội, không tái phạm tội hoặc vi phạm pháp luật. Nội dung giáo dục cải tạo phạm nhân được quy định trong Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm: giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống, dạy văn hóa xóa mù chữ, phổ biến thông tin thời sự, chính sách, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề, sinh hoạt, vui chơi, giải trí…
Theo thông tin từ Thượng tá Phùng Văn Huế, quá trình giáo dục cải tạo phạm nhân được phân chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn “đầu vào” (đến trại giam chấp hành án phạt tù), thực hiện ngay từ khi phạm nhân mới đến chấp hành án phạt tù, trong thời gian 10 ngày. Nội dung giáo dục chủ yếu là phổ biến quy định của pháp luật về thi hành án phạt tù như: Nội quy cơ sở giam giữ và quy định danh mục các đồ vật cấm; các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù; lễ tiết, tác phong, nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử; tập luyện về đội hình, đội ngũ, trật tự nội vụ… Giai đoạn “giữa” (đang chấp hành án phạt tù), thực hiện sau khi phạm nhân học xong giai đoạn “đầu vào”, được bố trí về các Đội (tổ) ở các khu giam giữ để tiến hành tổ chức lao động, học tập theo chương trình giáo dục. Ở giai đoạn này, phạm nhân phải lao động, tiếp tục học tập về pháp luật, giáo dục công dân, kỹ năng sống, hướng nghiệp, học nghề… Giai đoạn “đầu ra” (chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù) được thực hiện hai tháng trước ngày phạm nhân chấp hành xong án phạt tù.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 các trại giam đã tổ chức mở hơn 500 lớp giáo dục công dân cho hơn 15.000 lượt phạm nhân mới đến chấp hành án; hơn 200 lớp cho 35.000 lượt phạm nhân đang chấp hành án; hơn 300 lớp cho hơn 12.900 lượt phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù. Tổ chức hơn 1.200 lớp phổ biến thời sự, chính trị cho hơn 762.600 lượt phạm nhân; tổ chức hơn 130 lớp học văn hóa xóa mù chữ cho hơn 1.700 lượt phạm nhân, đã cấp chứng chỉ xóa mù chữ cho hơn 140 phạm nhân; tổ chức hơn 880 lớp giáo dục pháp luật cho hơn 367.500 lượt phạm nhân; tổ chức hơn 210 lớp về phòng chống ma túy cho hơn 101.300 lượt phạm nhân.
Hằng ngày, ngoài giờ lao động, học tập, phạm nhân được tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, xem tivi, nghe đài, đọc sách, báo, được tham gia các phong trào thi đua chấp hành án phạt tù. Trong các buồng giam đều được trang bị ti vi màu, tổ chức cho phạm nhân xem vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ buổi tối theo quy định để cho phạm nhân có thể cập nhật các thông tin về chính trị, thời sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... Trong mỗi khu giam đều có hệ thống truyền thanh và truyền hình cáp nội bộ, bảng tin, để tuyên truyền, nêu gương người tốt việc tốt; phê phán những việc làm sai với Nội quy cơ sở giam giữ. Các trại giam đã có thư viện với nhiều đầu sách, báo, tạp chí mang nội dung về pháp luật, giáo dục công dân, kỹ năng sống, văn học, nghệ thuật, tôn giáo và tổ chức cho phạm nhân đọc trong các giờ nghỉ hằng ngày và ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày Lễ, Tết. Bên cạnh công tác giáo dục cải tạo phạm nhân của các trại giam, còn có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức xã hội và thân nhân phạm nhân như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam… Hằng năm, các trại giam đều tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân để phát huy vai trò của thân nhân trong việc phối hợp giáo dục cải tạo con em họ.
“Do làm tốt công tác giáo dục cải tạo nên đa số phạm nhân đều đã nhận rõ tội lỗi đã gây ra, xác định rõ tư tưởng, yên tâm cải tạo tiến bộ, chấp hành nghiêm Bản án, không vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ. Định kỳ hằng tháng, quý, phần lớn phạm nhân đều được xếp loại khá, tốt và được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam như: Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện hoặc đặc xá, trở về hòa nhập cộng đồng và xã hội làm ăn lương thiện” - Thượng tá Phùng Văn Huế nói.
Tổ chức hướng nghiệp, lao động dạy nghề giúp phạm nhân tăng khả năng thích ứng sau khi tái hòa nhập cộng đồng
Cán bộ Công an hướng dẫn nghề may cho phạm nhân. (Ảnh: Minh Ngân) |
Công tác dạy nghề đã góp phần quan trọng và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Thông qua lao động, phạm nhân có những thay đổi về nhận thức, có tiến bộ trong quá trình cải tạo. Nhiều phạm nhân khi trở về xã hội đã tìm được việc làm bằng nghề được học, có thu nhập ổn định, góp phần tích cực trong công tác gìn giữ an ninh trật tự xã hội, giúp giảm và phòng ngừa tái phạm. Công tác đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân được Nhà nước, các ban; bộ, ngành, đoàn thể các tổ chức xã hội từ trung ương đến địa phương hết sức quan tâm, được thể hiện qua những chủ trương, định hướng lớn và các văn bản quy định về công tác đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề cho phạm nhân. Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân lao động phải chịu sự giám sát, quản lý của trại giam, trại tạm giam. Thời giờ lao động của phạm nhân không quá 08 giờ/ngày và 05 ngày/tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào khả năng của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, các trại giam tổ chức bồi dưỡng nâng cao tay nghề và tổ chức dạy những nghề phổ thông, đơn giản cho người chưa có nghề; phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức dạy nghề, bồi dưỡng nghề cho phạm nhân trước khi họ chấp hành xong án phạt tù.
Các trại giam đã hợp tác với các doanh nghiệp, các trung tâm, trường nghề để dạy nghề cho phạm nhân như các nghề: thủ công mỹ nghệ, may mặc, nghề mộc, điện, điện lạnh, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản... từ đó họ có cơ hội tìm được việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng. Rất nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân thành đạt, là chủ doanh nghiệp, tiếp nhận hàng trăm phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù về công ty, xí nghiệp của mình để làm việc và giúp họ ổn định cuộc sống.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 các trại giam đã tổ chức gần 130 lớp dạy nghề cho gần 4.100 lượt phạm nhân với các nghề may, xây dựng, điện dân dụng, điện công nghiệp, đan lát, gia công mỹ nghệ, gò, hàn, cơ khí, mộc, kỹ thuật máy lạnh, sửa chữa xe máy...
“Trước khi phạm nhân chấp hành xong hình phạt tù sẽ có cán bộ tư vấn về kỹ năng tìm kiếm việc làm, cung cấp thông tin các tổ chức xã hội, đoàn thể có thể giúp đỡ họ như: Tư vấn cho vay vốn, liên hệ tìm việc làm; cung cấp danh sách, địa chỉ các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để phạm nhân biết và liên hệ xin vào làm việc nếu thấy phù hợp” - Thượng tá Phùng Văn Huế cho biết.
Chính sách về quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân luôn được Đảng, Chính phủ Việt Nam quan tâm và được cụ thể hóa bởi pháp luật hình sự của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Việc thực thi hiệu quả các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân tại các cơ sở giam giữ đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội./.
Theo báo điện tử ĐCSNV