Thứ sáu, 26/04/2024
(Thứ năm, 16/06/2022, 10:12 am GMT+7)

1. Căn cứ pháp lý
- Điều 31 Luật PCCC 2001 quy định về xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cụ thể như sau:
+ Mỗi cơ sở, thôn, ấp, bản, tổ dân phố, khu rừng, phương tiện giao thông cơ giới đặc biệt phải có phương án chữa cháy và do người đứng đầu cơ sở, trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố, chủ rừng, chủ phương tiện xây dựng và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Phương án chữa cháy phải được tổ chức thực tập định kỳ theo phương án được duyệt. Các lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ.
- Các loại phương án chữa cháy được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP gồm:
+ Phương án chữa cháy của cơ sở;
+ Phương án chữa cháy của cơ quan Công an.
- Phương án cứu nạn, cứu hộ: Tại Điều 9 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định cụ thể về xây dựng, thực tập, diễn tập phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
2. Những chủ thể có trách nhiệm phải xây dựng phương án chữa cháy và phương án cứu nạn, cứu hộ
2.1. Đối với phương án chữa cháy
Tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy và phối hợp xây dựng phương án chữa cháy, cụ thể:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở đối với khu dân cư, cơ sở, phương tiện sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ trong phạm vi quản lý (Mẫu số PC17 Phụ lục IX ban hành hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP);
b) Trưởng Công an cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy (Mẫu số PC18 
Phụ lục IX ban hành hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP);
c) Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, phương án chữa cháy cần huy động lực lượng Công an, Quân đội, cơ quan, tổ chức đóng ở địa phương và lực lượng Công an của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Mẫu số PC18 Phụ lục IX ban hành hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
2.2. Đối với phương án cứu nạn, cứu hộ
Tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ cụ thể:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo xây dựng phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý của mình trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này (phương án cứu nạn, cứu hộ cơ sở);
b) Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này (phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).
3. Sự cần thiết phải xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ
3.1. Đối với xây dựng phương án
- Khi xây dựng phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giúp cơ quan Công an cũng như chủ cơ sở nắm bắt được tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở từ đó đề ra biện pháp phòng cháy, phòng tai nạn, sự cố phù hợp. Khi không may có sự có cháy, nổ, tai nạn xảy ra thì có biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp và hiệu quả nhất.
- Xây dựng phương án giúp cho cơ quan Công an, người đứng đầu đầu cơ sở, Chủ tịch UBND cấp xã xác định được lực lượng phương tiện cần huy động để xử lý sự cố khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra.
3.2. Thực tập phương án
- Giúp cán bộ công nhân viên cửa cơ sở, khu dân cư làm quen với các tình huống đặt ra, nắm vững được nhiệm vụ của mình để trong trường hợp khi có sự cố xảy ra thật thì bình tĩnh xử lý đạt hiệu quả cao.
- Đối với CBCS của lực lượng Công an, quán trình thực tập giúp CBCS nắm vững được giao thông, nguồn nước tại cơ sở, tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của các nguyên vật liệu đang tồn tại trong cơ sở. Từ đó khi có sự cố xảy ra các đơn vị thuộc lực lượng Công an có thể triển khai lực lượng, phương tiện đến cơ sở một cách nhanh nhất, sử loại chất chữa cháy phù hợp nhất, đưa ra mệnh lệnh chỉ huy nhanh, chính xác và kịp thời. Từ đó làm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra.
- Quá trình thực tập tạo được sự phối hợp thống nhất giữa lực lượng chuyên nghiệp và lực lượng PCCC cơ sở trong xử lý các tình huống.
- Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là biện pháp tuyên truyền trực quan nhất để mọi người nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định về PCCC và CNCH.

 

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp