Thứ bảy, 05/10/2024
(Thứ ba, 06/02/2024, 09:52 am GMT+7)

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngôi nhà của anh Đỗ Văn Phú ở thôn Nghĩa Tiến, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) như có thêm hơi ấm sau nhiều năm bị bỏ không. 

Mời chúng tôi vào nhà, chỉ vào những vật dụng sinh hoạt, anh Phú xúc động nói: “Ngày tôi trở về, ngôi nhà dột nát bị bao trùm bởi cây cỏ, vợ con cũng bỏ đi chỗ khác ở. Tôi chán nản định không quay lại nữa nhưng họ hàng, làng xóm, cán bộ thôn, xã đến động viên, người cho cái bếp, người cho bộ bàn ghế, tủ lạnh… tuy cũ nhưng vẫn còn sử dụng tốt. Rồi mọi người đến dọn dẹp giúp để tôi ổn định cuộc sống. Vừa sáng nay, có bác gần nhà mang cho hoa quả để thắp hương đón Tết. Những tình cảm đó tôi làm sao quên, tự hứa với bản thân sẽ không dính dáng đến tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật nữa”.

Công an xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) và cán bộ thôn Nghĩa Tiến thăm hỏi, tặng quà Tết gia đình anh Đỗ Văn Phú.

Theo lời kể của anh Phú, hoàn cảnh gia đình khó khăn, để có thêm thu nhập, năm 2007, anh làm nghề xe ôm. Trong thời gian làm nghề, anh tiếp xúc nhiều với các đối tượng nghiện ma túy rồi bị lôi kéo sử dụng “hàng trắng”. Ban đầu anh nghĩ chỉ thử cho biết nhưng rồi thành nghiện nặng lúc nào không hay. Có thời điểm, anh “đốt” 2-3 triệu đồng mỗi ngày vào heroin. Thu nhập từ nghề xe ôm không đủ tiền để mua ma túy, anh đi trộm cắp tài sản, vận chuyển thuê ma túy… Đỉnh điểm vào năm 2017, anh bị lực lượng công an bắt quả tang khi đang mua bán trái phép chất ma túy (bán lẻ ma túy cho “con nghiện” khác) và bị kết án hơn 7 năm tù giam. 

Theo Thiếu tá Nguyễn Bá Tới, Phó trưởng Công an xã Đông Lỗ, khi anh Phú trở về địa phương, Công an xã đã làm đầy đủ thủ tục tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý, thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền, giáo dục để anh tái hòa nhập cộng đồng. Bước đầu, anh đi làm thợ xây để duy trì cuộc sống hằng ngày. Dịp Tết này, Công an xã thông qua xã hội hóa có phần quà tặng anh Phú và một số người khác (hiện nay, trên địa bàn xã có 23 người thuộc diện chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá). 

Món quà giá trị không lớn nhưng đã kịp thời động viên, giúp những người từng một thời lầm lỗi bớt mặc cảm, tự ti. Cùng với lực lượng công an, cán bộ thôn, người thân, họ hàng, láng giềng cũng có nhiều hoạt động giúp đỡ, nắm bắt diễn biến tâm lý, tình cảm, hoạt động để cùng quản lý, cảm hóa, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Với tổ dân phố Đức Liễn, phường Hồng Thái (thị xã Việt Yên), việc giúp đỡ những người tái hòa nhập cộng đồng luôn được người dân nơi đây quan tâm. Những ngày giáp Tết, Tổ tự quản “Tiếng kẻng an ninh” và cán bộ địa phương, công an phường đến nhà anh Thân Mậu Võ (SN 1982) thăm hỏi, tặng anh túi quà Tết. Đón khách, anh Võ tươi cười: “Năm nay, tôi ăn Tết vui hơn rồi, món quà này chính là sự ghi nhận của tổ dân phố và phường đối với những cố gắng của tôi. Mong rằng tôi có đủ sức khỏe, công việc ổn định để lo cho các con sau bao nhiêu năm tù tội”. 

Lực lượng công an và đại diện cấp ủy, chính quyền phường Hồng Thái (thị xã Việt Yên) cùng Tổ tự quản 'Tiếng kẻng an ninh' tổ dân phố Đức Liễn trao quà động viên anh Thân Mậu Võ.

Theo Công an phường Hồng Thái, anh Võ có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Thời gian qua, anh đã tiến bộ, hằng ngày đi làm phụ vữa có thu nhập ổn định, được địa phương ghi nhận không mắc vào tệ nạn xã hội. Các phong trào, hoạt động của địa phương anh đều tham gia đầy đủ. Điển hình như khi Tổ tự quản “Tiếng kẻng an ninh” cần hỗ trợ về bảo đảm an ninh trật tự, tuần tra ban đêm, vây bắt đối tượng khả nghi… anh đều hăng hái góp mặt.

Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh có hơn 900 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Lực lượng công an phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp đã hỗ trợ, tư vấn và giới thiệu việc làm cho hơn 740 người, nhiều trường hợp khác được giúp đỡ vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, sửa chữa nhà cửa…

Để giúp những người từng lầm lỗi trở lại với cuộc sống bình thường, lương thiện không hề dễ dàng. Bản thân những người đó cần có nỗ lực, quyết tâm rất lớn để những ký ức buồn của một thời sa ngã, sức cuốn hút mê muội của tệ nạn xã hội không trở thành nỗi ám ảnh. Vì vậy, sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, lực lượng công an và chung tay giúp đỡ của cộng đồng là điểm tựa vững vàng, quan trọng giúp người lầm lỡ không cảm thấy bị kỳ thị, xa lánh, có thêm động lực để làm lại cuộc đời, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. 

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 900 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Lực lượng công an phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp đã hỗ trợ, tư vấn và giới thiệu việc làm cho hơn 740 người, nhiều trường hợp khác được giúp đỡ vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, sửa chữa nhà cửa. Toàn tỉnh hiện duy trì hoạt động của 198 mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, giảm số người chấp hành xong hình phạt tù tái phạm tội. Cả năm 2023 có 60 người tái phạm tội, giảm 36 người so với năm trước. 

Thời gian tới, Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện, xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục gắn với quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Chủ động nắm bắt tình hình, tập trung đấu tranh phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội; không để những người tái hoà nhập cộng đồng bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo tái vi phạm pháp luật.

Theo Báo Bắc Giang.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp