Ngày 1/10, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù chính thức có hiệu lực. Theo đó, người từng lầm lỗi đã chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống, thể hiện chủ trương, đường lối, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người lầm lỗi, người đã có quá khứ phạm tội.
Bộ Công an đề xuất chính sách trên xuất phát từ yêu cầu thực tế để thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng, cũng như yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là tâm huyết của lãnh đạo Bộ Công an trong suốt thời gian qua, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm và đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Long.
Trong rất nhiều cuộc họp, hội nghị cũng như trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm đều nhấn mạnh, Bộ Công an nỗ lực cao nhất để giảm tội phạm, bởi, giảm được 1 án là giảm được ít nhất 1 gia đình có người bị hại, 1 gia đình có con em vướng vào vòng lao lý. Bên cạnh đó, những người đã từng lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù, họ thường khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, tìm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống. Trong số họ, cũng vì không có việc làm, không có thu nhập nên nhiều người đã tái phạm tội. Chính vì vậy, đồng chí Bộ trưởng và Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã chỉ đạo Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự (QLTGTG và THAHS) tại cộng đồng rà soát các quy định của pháp luật hiện hành và nghiên cứu, đề xuất cơ chế tín dụng, làm việc với các cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện tốt nhất để những người từng lầm lỗi làm lại cuộc đời.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLTGTG và THAHS tại cộng đồng cho biết, đây là chính sách mới nên điều quan trọng phải thuyết phục được các bộ, ngành, chức năng đồng thuận. “Đồng chí Bộ trưởng và Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã nói ý tưởng với lãnh đạo ngân hàng Chính sách xã hội và được họ rất ủng hộ. Chính vì vậy, trong tất cả các cuộc làm việc với các bộ, ngành chức năng, lãnh đạo ngân hàng Chính sách xã hội đều có mặt để thuyết phục, nhấn mạnh sự nhân văn, nhân đạo của chính sách để lãnh đạo các bộ, ngành hiểu, ủng hộ.
Các phạm nhân được cán bộ dạy về chính sách, pháp luật.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người lầm lỗi, người đã có quá khứ phạm tội; không ai bị bỏ lại phía sau; tiếp nối và phát huy truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc ta, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, cơ sở sản xuất kinh doanh có thêm điều kiện, động lực để tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, từ đó tạo ra của cải vật chất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước; khẳng định sự chung tay của Nhà nước và cộng đồng xã hội trong công tác tái tái hòa nhập cộng đồng, từng bước xoá bỏ kỳ thị, xa lánh của cộng đồng xã hội đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù có những điều kiện thuận lợi để sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đó là: cá nhân người chấp hành xong án phạt tù, gồm người chấp hành xong thời hạn bản án và người được đặc xá có nhu cầu vay vốn. Để được vay vốn, họ phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật; không tham gia các tệ nạn xã hội và được Công an, UBND cấp xã xác nhận, lập danh sách gửi Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức vốn vay đối với cá nhân người chấp hành xong án phạt tù tuỳ theo mục đích vay: Cho vay để đào tạo nghề, học nghề: Tối đa 4 triệu/tháng/người; cho vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Tối đa là 100 triệu đồng/người.
Nhóm thứ hai là các cơ sở sản xuất kinh doanh gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Nhóm này phải thỏa mãn điều kiện là: được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù; có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận. Cơ sở sản xuất kinh doanh phải cam kết sử dụng thường xuyên tối thiểu 10% số lao động là người chấp hành xong án phạt tù; trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh không sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù hoặc sử dụng không đủ số lượng lao động là người chấp hành xong án phạt tù thì cơ sở sản xuất kinh doanh có trách nhiệm hoàn trả hoặc không được tiếp cận nguồn vốn vay. Mức vốn vay đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh, trú ở TP Bắc Giang từng phải thi hành án 3 năm tù về tội gây rối TTCC cho biết: “Bố mẹ tôi mất sớm, chị gái lấy chồng xa, kinh tế khó khăn nên không giúp được gì nhiều. Vì không ai quản lý, giáo dục nên tôi theo bạn bè xấu tụ tập, đánh nhau và bị bắt. Được các cán bộ Công an giáo dục, tôi biết rằng, chỉ có làm ăn lương thiện thì mới được sống bình an, khoẻ mạnh. Vì vậy, sau khi ra tù, vì không có nghề nghiệp nên tôi đi làm thuê. Tôi mong chính sách này được thực hiện, tôi sẽ vay tiền mua chiếc xe máy để đi ship hàng kiếm sống”.
Mong muốn của anh Mạnh cũng là mong muốn của nhiều người lầm lỡ, có hoàn cảnh khó khăn như anh. Họ mong muốn có được cái “cần câu” để yên tâm làm việc, tránh xa tệ nạn, vi phạm.
Theo báo Công an nhân dân