Thứ năm, 21/11/2024
(Thứ sáu, 20/10/2023, 10:59 am GMT+7)

Những người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương thường gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, nhất là giới thiệu việc làm, trao sinh kế tạo cơ hội cho những người từng lầm lỗi sớm hòa nhập cộng đồng (HNCĐ).

Vượt qua mặc cảm, làm lại cuộc đời

Anh N.N.T (SN 1972), ở tổ dân phố Chi Ly 1, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) từng phải trả giá cho lỗi lầm bằng những ngày tháng cải tạo trong nhà giam. Hai năm trước, mãn hạn tù trở về địa phương, anh được công an khu vực và cán bộ MTTQ, tổ chức đoàn thể đến nhà tuyên truyền, động viên nên đã xóa bỏ mặc cảm, quyết tâm làm lại cuộc đời. Đang không biết làm nghề gì để sinh sống, anh được giới thiệu đến làm việc tại một công ty vệ sĩ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. 

Đại diện doanh nghiệp thông tin về việc làm với phạm nhân sắp mãn hạn tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

Đại diện doanh nghiệp thông tin về việc làm với phạm nhân sắp mãn hạn tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

Anh bộc bạch: “Với người từng lầm lỗi như tôi, việc chuẩn bị giấy tờ cá nhân thường khó khăn. Nhờ được cán bộ chức năng giúp đỡ, tôi đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cần thiết và được bảo lãnh vào làm việc tại doanh nghiệp (DN) với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Đây là động lực để tôi vươn lên”. Do làm việc trách nhiệm, anh được công ty tin tưởng, giao làm tổ trưởng tổ bảo vệ, quản lý nhiều lao động trông coi các công trình xây dựng. Anh còn vận động, giới thiệu 3 người sau khi mãn hạn tù đến cùng làm việc.

Sự quan tâm giáo dục, động viên của các cấp chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng đã giúp nhiều người từng lầm lỗi vượt qua mặc cảm. Hơn thế, việc hỗ trợ tạo việc làm, có thu nhập đã mở ra cuộc sống mới đối với người hoàn lương. Đơn cử như anh V.H.T (SN 1983), ở tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hoà) sau khi mãn hạn tù được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty cổ phần May thời trang xuất khẩu Hà Thanh (Hiệp Hòa). Hơn 4 năm nay, anh chăm chỉ, trách nhiệm với công việc đóng gói hàng, chấp hành nghiêm quy định pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động của công ty. Công việc mang lại thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng giúp anh ổn định cuộc sống, quyết không quay lại con đường lầm lỗi.

Nắm bắt nguyện vọng của anh V.N.H (SN 1971), ở thôn Đồng Khanh, xã Ngọc Vân (Tân Yên), sau khi anh chấp hành xong án phạt tù, ngành chức năng, đoàn thể địa phương đã hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Với 100 triệu đồng vốn vay, anh H thuê 3 ha đất tại xã để trồng cây dược liệu. Hai năm nay, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, cung ứng nguồn dược liệu cho nhiều cơ sở sản xuất, chế biến trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập 5-10 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người trong số đó có cùng hoàn cảnh như anh.

Chung tay giúp đỡ

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có hơn 3,6 nghìn người chấp hành xong án phạt tù, trong đó khoảng 2,6 nghìn người đang được quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án 'Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025'. 

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có hơn 3,6 nghìn người chấp hành xong án phạt tù, trong đó khoảng 2,6 nghìn người đang được quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ.

Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giải pháp hiệu quả trong công tác này là quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giải quyết việc làm cho người mãn hạn tù giúp họ có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình. 

Đây là việc làm nhân văn, góp phần phòng ngừa tái phạm và tội phạm phát sinh mới. Sở yêu cầu đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý; định hướng nghề nghiệp nhằm nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho đối tượng này. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện để họ được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm.

Nhiều địa phương đã có giải pháp hiệu quả, xây dựng những mô hình sáng tạo trong công tác tái HNCĐ. Tại xã Ngọc Châu (Tân Yên), xã Thái Đào (Lạng Giang), phường Trần Phú (TP Bắc Giang)…, ngoài hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, UBND phường, xã còn vận động các DN trên địa bàn tuyển dụng những người đã chấp hành xong án phạt tù vào làm việc.

Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 1,1 nghìn người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, được tiếp nhận, quản lý, giáo dục cũng như tư vấn, trợ giúp về pháp lý, cấp các giấy tờ cá nhân liên quan, giới thiệu việc làm. Khoảng 25% trong số này được bồi dưỡng, đào tạo nghề, tìm được việc làm mới. Tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội giảm so với những năm trước.

Thực hiện chỉ đạo, năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm cho phạm nhân sắp mãn hạn thu hút nhiều DN tham gia. Tại các phiên giao dịch định kỳ, chuyên đề, trực tuyến, Trung tâm luôn ưu tiên tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho lao động chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Tháng 7 vừa qua, tại một phiên giao dịch chuyên đề, gần 30 người thuộc đối tượng này đã được 4 DN trên địa bàn tỉnh tuyển dụng vào các vị trí: Bảo vệ, may và năng lượng mặt trời với mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Lê Xuân Tráng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May thời trang xuất khẩu Hà Thanh (Hiệp Hòa) cho biết: “Từng trả giá do vi phạm pháp luật, tôi hiểu rằng để giúp một người hoàn lương, làm lại cuộc đời, điều quan trọng là tạo cho họ công việc ổn định để có thu nhập bảo đảm cuộc sống. Công ty tôi sẵn sàng đón nhận những người đã chấp hành xong án phạt vào làm việc. Hiện Công ty tạo việc làm cho 3,6 nghìn lao động, trong đó có hàng chục người từng lầm lỗi. Không ít công nhân đã gắn bó nhiều năm, chăm chỉ làm việc, tích cực tham gia các hoạt động của Công ty”.

Vừa qua, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng chấp hành xong án phạt tù tái HNCĐ. Văn bản yêu cầu ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt nhu cầu của những người mãn hạn tù; thu thập thông tin về tuyển dụng tại các DN để giới thiệu cho lao động. 

Tăng cường tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn đối tượng thụ hưởng chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Các cấp chính quyền, ngành chức năng và tổ chức chính trị - xã hội tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay vốn, giúp người mãn hạn tù mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống, sớm HNCĐ.

Ban biên tập

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp