Ngày 17/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ). Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6/2020, thay thế Nghị định số 80/2011/NĐ-CP.
Phạm nhân tham gia lớp sơ cấp nghề điện dân dụng
Nghị định có 5 chương với 29 điều, quy định cụ thể các biện pháp chuẩn bị THNCĐ cho phạm nhân; các biện pháp bảo đảm THNCĐ đối với người chấp hành xong hình phạt tù (CHXHPT); trách nhiệm của các bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm THNCĐ.
Nguyên tắc bảo đảm THNCĐ là tạo điều kiện thuận lợi cho người CHXHPT THNCĐ, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân và người CHXHPT. Các cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân để hướng dẫn họ lập kế hoạch THNCĐ cho bản thân; phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân. Căn cứ vào khả năng, nhu cầu của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, 3 tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi THNCĐ.
Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phạm nhân
Nghị định nêu rõ, người CHXHPT tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp người CHXHPT không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật thì UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp. Người CHXHPT được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người CHXHPT để phát triển sản xuất, tạo việc làm.
Người CHXHPT dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em CHXHPT được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định, người CHXHPT được chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ để THNCĐ và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người CHXHPT THNCĐ; khuyến khích việc tiếp nhận người CHXHPT vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở.
Ban biên tập