Thứ sáu, 22/11/2024
(Thứ tư, 19/06/2024, 08:45 pm GMT+7)

Dù đã có khuyến cáo từ cơ quan chức năng nhưng nhiều lao động vẫn sập bẫy “cò việc làm” với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, khiến nhiều người bị các đối tượng lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Campuchia, Philippines, Myanmar... lao động bất hợp pháp. Việc người lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài khiến bản thân phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như bị nợ, quỵt lương, bóc lột sức lao động, làm việc trong môi trường độc hại, phải sống chui lủi để trốn tránh các cơ quan chức năng của nước sở tại, thậm chí có người phải trả giá đắt bằng tính mạng.

Các đối tượng tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép lợi dụng sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của một bộ phận người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thu nhập thấp; thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về chính sách xuất khẩu lao động, pháp luật về xuất nhập cảnh tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động, tìm kiếm việc làm với chi phí thấp, lương cao, thủ tục đơn giản hoặc một số đối tượng chỉ tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép để lấy chi phí thù lao, bán cho chủ sử dụng lao động làm việc bất hợp pháp trong các nhà máy, nhà hàng, cơ sở giải trí, trung tâm cá cược, sòng bạc, cơ sở trồng cần sa... Thủ đoạn của các đối tượng là thông qua mạng xã hội tuyên truyền, lôi kéo công dân trên địa bàn xuất cảnh trái phép với luận điệu và phương thức thông báo tuyển dụng lao động, “việc nhẹ, lương cao”, sau đó các đối tượng này ép buộc các trường hợp trên tham gia hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, nếu không làm thì các đối tượng ép buộc tiền chuộc lên tới hàng trăm triệu đồng. Thực tế cho thấy việc xuất nhập cảnh trái phép đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân những người xuất nhập cảnh trái phép; là nỗi đau cho gia đình, người thân; là hệ lụy của xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các quốc gia trên thế giới. Việc xuất nhập cảnh, trốn ở lại nước ngoài trái phép sẽ đẩy bản thân công dân vào hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp, trở thành người vi phạm pháp luật ở nước sở tại, rất dễ bị chủ sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động, chậm trả lương, thậm chí bị cướp, bị bạo hành; điều kiện ăn ở, làm việc tạm bợ, không đảm bảo... nếu bỏ trốn bị bắt thì bị đánh đập, còn muốn nghỉ việc và rời khỏi thì phải nộp tiền chuộc rất cao, khó khăn trong việc liên hệ với cơ quan chức năng để xin “giải cứu”; nhiều trường hợp gặp tai nạn, thậm chí tử vong tại nước ngoài nhưng không được pháp luật nước sở tại bảo hộ. Khi xuất cảnh trái phép sang các nước khác thì khả năng rất cao phải đối mặt với các rủi ro như: bị trục xuất mất cơ hội nhập cảnh trở lại, bị lực lượng chức năng bắt giữ, đẩy đuổi, phạt tiền; thường xuyên phải tránh việc kiểm tra, truy vết, xử lý của cơ quan chức năng; không được cơ quan chức năng bảo hộ.

Từ những nguy cơ hệ lụy trên, khuyến cáo người dân luôn tìm hiểu kỹ về công việc, điều kiện làm việc và hợp đồng lao động trước khi xuất cảnh lao động để tránh rơi vào trường hợp bị bóc lột, cưỡng bức sức lao động, thậm chí có thể trở thành nạn nhân của mua bán người. Khi xuất nhập cảnh để xuất khẩu lao động phải tuân thủ quy định của pháp luật để có sự can thiệp của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước kịp thời bảo hộ cho công dân khi cần thiết. Nếu phát hiện các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lôi kéo người xuất nhập cảnh trái phép thì người dân cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết, ngăn chặn kịp thời.

Phòng An ninh đối ngoại

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp