Thứ hai, 21/10/2024
(Chủ nhật, 08/11/2020, 09:22 pm GMT+7)

Đơn vị ba năm liền đạt danh hiệu Quyết thắng

(BGĐT) - Ngoài công tác quản lý kho vật chứng, tái hòa nhập cộng đồng, Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh Bắc Giang) còn thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, góp phần quan trọng bảo đảm an toàn, an ninh trật tự tại các phiên toà, đưa các đối tượng truy nã về quy án.

An toàn cho từng phiên xét xử

7 giờ ngày 3/11, tại trụ sở Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, gần 20 cán bộ, chiến sĩ đã sẵn sàng cho công tác dẫn giải bị cáo, bảo vệ phiên tòa diễn ra trong ngày. Một số cán bộ chia sẻ, việc di chuyển phải nhanh nhẹn, dứt khoát nhằm phòng ngừa hành vi can thiệp hoạt động dẫn giải. 

Chỉ huy Đội  Hỗ trợ tư pháp và quản lý kho vật chứng phân công nhiệm vụ cho các thành viên bảo vệ tại một phiên tòa.

Chỉ huy Đội Hỗ trợ tư pháp và quản lý kho vật chứng phân công nhiệm vụ cho các thành viên bảo vệ tại một phiên tòa.

Trong quá trình bảo vệ, lực lượng hỗ trợ tư pháp có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho người tiến hành tố tụng, tham dự phiên tòa, hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án và ngăn ngừa những hành vi gây rối. Bằng sự quan sát nhạy bén, chỉ một cá nhân mang nước vào khu vực xét xử hay dùng điện thoại đều lập tức được nhắc nhở, yêu cầu mang ra khỏi khu vực cấm. 

Mỗi phiên tòa đều có tính chất phức tạp khác nhau. Bị cáo bị mức án cao thường có thái độ chống đối. Các vụ án xét xử tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cũng tiềm ẩn yếu tố mất an toàn. Điều đó đòi hỏi cán bộ phải luôn đề cao cảnh giác, nắm vững phương án, kế hoạch. 

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ luôn phải đối mặt với nguy hiểm. Đơn cử như trong công tác bắt truy nã đối tượng trốn thi hành án, việc áp giải phải luôn theo sát bị can, bị cáo. Bên cạnh đó còn đề phòng phơi nhiễm khi không ít đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.

Trung tá Nguyễn Văn Chung, Phó đội trưởng Đội Hỗ trợ tư pháp và quản lý kho vật chứng nhớ lại lần áp giải 13 bị cáo trong vụ án Vi Văn Thiều xảy ra đầu tháng 12/2015. 

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ma túy, tàng trữ vũ khí quân dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian xét xử kéo dài nhiều ngày, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ngay từ sớm, người thân của các bị cáo đã đi thành đoàn theo xe dẫn giải. 

Chủ động phòng ngừa tình huống xấu phát sinh, tổ công tác chia làm nhiều nhánh, bố trí lực lượng bảo vệ trước và sau xe chở bị cáo. Đồng thời cử cán bộ trinh sát nắm tình hình để sớm phát hiện dấu hiệu phức tạp nhằm chủ động phương án đấu tranh. 

Lường trước việc người thân các đối tượng có thể gây rối nên gần 100 cán bộ, chiến sĩ được huy động bảo vệ phiên tòa. Khi Hội đồng xét xử tuyên án sơ thẩm, 5/13 bị cáo bị mức án tử hình, một số kẻ kích động la ó lập tức được đưa ra ngoài phòng xét xử.

Bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật

Công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là công việc đòi hỏi sự cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng trong từng phương án nhưng ít được biết đến. Thế nhưng, bằng trách nhiệm, sự tận tâm, cán bộ, chiến sĩ vẫn ngày đêm xác minh, truy bắt đối tượng truy nã trốn thi hành án. Với họ, đây được xem như yếu tố then chốt để loại bỏ kẻ xấu ra khỏi xã hội, giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh. 

 

10 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Phòng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp trực tiếp xác minh, truy bắt, vận động 60 đối tượng truy nã trốn thi hành án ra đầu thú. Huy động hơn 18.600 lượt cán bộ, chiến sĩ bảo vệ an toàn gần 5.500 phiên tòa; 5.300 lượt cán bộ, chiến sĩ trích xuất, áp giải an toàn 2.350 lượt bị cáo phục vụ xét xử.

 

Từ đầu năm đến nay, gần 320 lượt cán bộ, chiến sĩ đã tới khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh để nắm tình hình, xác minh đối tượng truy nã, hướng dẫn công tác thi hành án hình sự và hòa nhập cộng đồng; phối hợp đôn đốc bị án đi chấp hành án. Qua đó đã truy bắt, vận động đầu thú 17 đối tượng truy nã trốn thi hành án, trong đó có ba đối tượng đặc biệt nguy hiểm.

Nhiều năm làm công tác này, theo Thiếu tá Phạm Duy Khánh, Đội trưởng Đội Hướng dẫn công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, việc tìm đúng mục tiêu, đánh đúng thời điểm sẽ đem lại hiệu quả. Để làm được điều này, cán bộ bắt truy nã phải làm tốt công tác dân vận, có được thông tin chính xác về bị án. Ví như lần bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Hoàng Văn Thuấn (SN 1975) ở thôn Châu Sơn, xã Ngọc Châu (Tân Yên) vào ngày 2/1/2020. 

Đây là đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị phạt mức án 8 năm 6 tháng tù. Chiều 1/1, trinh sát đơn vị nhận được tin báo Thuấn vừa trở về nơi cư trú. Nhanh chóng báo cáo lãnh đạo đơn vị và đề xuất phương án bắt giữ, Thiếu tá Khánh và 4 cán bộ trong ca trực kỳ nghỉ Tết Dương lịch vội vã lên đường; vừa nắm tình hình, vừa phân công nhiệm vụ. Đến nơi ở của Thuấn trời đã tối, để phòng ngừa đối tượng bỏ trốn, tổ công tác phải hoá trang và phục kích suốt đêm. Khi Thuấn vừa mở cửa bước ra ngoài thì bị bắt gọn.

Sau hơn 10 năm thành lập, Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã từng bước trưởng thành, đạt nhiều thành tích. Đơn vị có hơn 80 lượt tập thể, cá nhân được Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng. Ba năm liên tục phòng đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.

 
Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp