Ngày 13/11, tại Hà Nội diễn ra phiên khai mạc Hội nghị Cán bộ quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APPCA) lần thứ 41. Đây là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý trại giam khu vực châu Á - Thái Bình Dương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm phục vụ tốt nhất công tác quản lý trại giam, giáo dục cải tạo người lầm lỡ trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.
Trong đó, tại Việt Nam, những năm qua, đây là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài, đảm bảo quyền con người cho mỗi phạm nhân, thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam đối với những người phạm tội.
Cán bộ Công an tỉnh Hà Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Nam thăm gia đình anh Trần Văn Tú.
Theo chân cán bộ Công an xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam và các cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Hà Nam, chúng tôi vào nhà anh Trần Văn Tú, ở thôn Phú Cốc, xã Phú Phúc. Ngôi nhà khá khang trang trong một khuôn viên rộng rãi, đủ cả vườn, ao chuồng. Anh Tú đang vớt trứng ốc nhồi ở dưới ao để nhân giống. Vợ anh đi làm ở khu công nghiệp, các con đi học, công việc chính của anh là chăm đàn lợn và nhân giống ốc nhồi nên thường ở nhà. Một lúc sau, mẹ anh đi làm ở gần đó, biết nhà có khách nên cũng về.
Anh Tú từng có thời gian lầm lỗi do tuổi trẻ thiếu suy nghĩ, hoàn cảnh khó khăn theo bạn xấu chơi bời nên phạm tội cướp tài sản, bị án phạt tù 30 tháng. “Lúc đó, em suy sụp hoàn toàn, đứa con đầu mới 3 tuổi, vợ em đang bầu cháu thứ 2 chỉ còn 20 ngày nữa là sinh. Thế mà em lại không biết suy nghĩ, gây ra tội làm khổ bố mẹ, vợ con”, Tú tâm sự. Về nhà, điều làm gia đình Tú thấy may mắn nhất đó là không những không bị xa lánh mà còn được Công an xã, hội phụ nữ cùng xóm giềng quan tâm, động viên.
“Vừa rồi nhà nước có chính sách cho người lầm lỗi như em vay vốn, em mừng lắm. Các anh Công an xã đến nhà động viên, giúp đỡ, làm thủ tục để em được vay vốn. Nhờ đó, em được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 90 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Số tiền này em sẽ dùng để mở rộng chăn nuôi, thêm lợn giống và đàn lợn thịt, kè nốt chỗ ao còn dang dở để nuôi ốc” – Trần Văn Tú cho biết.
Anh Trần Văn Mạnh cũng là người từng lầm lỗi như Tú với tội gây rối TTCC, bị trả giá 2 năm tù giam. Mạnh ra tù vào tháng 1/2023 với đôi bàn tay trắng. “Trong trại giam em được học nghề may công nghiệp nên khi về nhà, em thấy công việc này phù hợp nhất đối với gia đình em nên em đã cùng bố mẹ đi vay, cộng với tiền dành dụm của bố mẹ để mua máy may công nghiệp. Em nhận hàng về, hướng dẫn cho mọi người trong nhà cùng làm” – Trần Văn Mạnh cho biết.
Được biết, trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Việt Nam, việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đó, phạm nhân trong thời gian chấp hành án phạt tù họ được học nghề; được tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm…
Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Luật Thi hành án hình sự; Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Chỉ thị quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt, ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg Quyết định về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Quyết định này quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được hòa nhập cộng đồng để không ai bị bỏ lại phía sau.
Chương trình tái hoà nhập cộng đồng được thực hiện trong khoảng thời gian hai tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
Các phạm nhân được học chữ xoá mù trong trại giam.
Sau khi phạm nhân trở về, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương có trách nhiệm thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ họ ổn định tâm lý, có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Người chấp hành xong án phạt tù được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại; được tạo điều kiện vay vốn đào tạo nghề nghiệp; được tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí…
Tại Hội nghị quán triệt triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác tái hoà nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm trở thành công dân có ích cho xã hội, hạn chế tái phạm tội, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội, phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng CAND, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã thu được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật…
Hiện nay, có một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù bước đầu thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động của các mô hình hầu hết mang tính tự phát, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có công ăn, việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công an đã trao đổi và nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ rất tích cực của ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22.
Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù…Triển khai Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, các địa phương đã cho hàng nghìn người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng cho biết, xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, Đảng, Nhà nước Việt Nam ban hành nhiều chính sách quan trọng, quy định rõ sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về xã hội, trách nhiệm thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng là của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để không ai bị bỏ lại phía sau. Hành lang pháp lý về công tác tái hòa nhập cộng đồng đến nay cơ bản đã đầy đủ và toàn diện. Thực hiện quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ sau 1 tháng triển khai, đã có gần 500 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, với số tiền gần 2 triệu USD.
“Đây là lần đầu tiên có một cơ chế rất cụ thể, chính sách nhân văn, tạo điều kiện không chỉ cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách để tạo lập cuộc sống mà còn khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù…” – Đại tá Nguyễn Văn Long khẳng định.
Theo Báo Công an nhân dân