Thứ năm, 10/10/2024
(Thứ tư, 10/08/2022, 07:13 am GMT+7)

Lời mời chào của một  đối tượng "nếu chốt đơn hàng trên mạng sẽ nhận được phần trăm hoa hồng"

     Anh Lê Thành V (SN 2003), đường Thân Nhân Tín, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) cho biết, chỉ vì tin vào lời dụ dỗ ngon ngọt trên mạng mà anh đã bị lừa gần 3 triệu đồng. Theo anh V, hình thức lừa đảo khá tinh vi, ban đầu đối tượng gửi tin nhắn trên Facebook với nội dung: “Chào bạn, bạn đang cần công việc kiếm thêm thu nhập tại nhà lúc rảnh phải không ạ?”…“Hiện bên mình đang tuyển cộng tác viên kiểm duyệt đơn hàng cho hệ thống công ty TIKI ạ. Mỗi đơn bạn hoàn thành sẽ được nhận 12-20% hoa hồng. Bạn có quan tâm công việc này không”? Thấy dễ kiếm tiền mà không mất khoản phí gì, anh đã vào đường link đối tượng gửi cho rồi tải phần mềm ứng dụng về điện thoại với giao diện giống như sàn giao dịch thương mại của Shopee, Lazada, Tiki.
     Từ đây, anh V nhận được một mã từ đối tượng lừa đảo để lập tài khoản cá nhân trên sàn giao dịch giả này. Ngay lập tức, tài khoản của anh V có 70 nghìn đồng (tiền ảo-PV). Anh V dùng số tiền này đặt mua 1 món đồ trên sàn giao dịch thì được hưởng số tiền lãi 10 nghìn đồng. Anh V tiếp tục dùng số tiền còn lại trong tài khoản vừa được lập ra để đặt mua 1 món đồ khác, lập tức trong tài khoản của anh lại được cộng 5 nghìn đồng hoa hồng. Thấy dễ kiếm tiền, anh V đặt lệnh mua tiếp món đồ nữa thì hệ thống thông báo, anh phải nạp 500 nghìn đồng, giao dịch mới thành công. Nghĩ rằng, cứ chốt đơn hàng trên ứng dụng này sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng cao, anh V đã nạp tiền vào tài khoản rất nhiều lần.
     Đến khi số tiền lớn, gần 3 triệu đồng, anh muốn chuyển số tiền đã nạp cùng số tiền hoa hồng trên vào tài khoản ngân hàng cá nhân thì phát hiện mình bị lừa, mọi giao dịch không thực hiện được nữa. Anh V cho biết thêm, một số bạn bè của anh cũng bị mắc chiêu lừa trên khi nghĩ rằng, không mất tiền chỉ mất chút thời gian chốt đơn hàng trên sàn giao dịch là có lợi nhuận. Khi kiểm tra kỹ thì hóa ra sàn giao dịch trên làm giả các sàn giao dịch nổi tiếng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 03/6/2022, đối tượng Nguyễn Văn Tình (SN 1995) trú tại thôn Ao Dẻ 1, xã Hương Lạng (Lạng Giang) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lạng Giang bắt tạm giam do có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội làm hàng gia công tại nhà


     Một hình thức lừa đảo mới sử dụng công nghệ cao cũng xuất hiện trong thời gian gần đây. Chị Lê Kim Th (SN 1995), quê tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, đang là công nhân trong Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên) cho biết chị đã bị lừa mất hơn 2 triệu đồng thông qua hình thức tuyển cộng tác viên trên mạng xã hội.
    Tháng trước, chị xem trên Facebook có trang web giống như sàn thương mại điện tử của Tiki.vn thông báo tuyển cộng tác viên để xử lý đơn hàng trên web, thu nhập cao. Khi chị nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên thì ngay lập tức nhận được thông tin về công ty, tên nhân viên chăm sóc khách hàng; đồng thời yêu cầu chị gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn.
     Ban đầu, các đối tượng gửi link các sản phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm nghìn đồng để chị chọn và xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp và được đối tượng chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng 15%.
     Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả gốc và hoa hồng như cam kết ban đầu, tiếp theo đối tượng viện lý do “bạn đã được công ty nâng hạng” và gửi link đến các sản phẩm trên trang web giả sàn giao dịch uy tín như Lazada, Shopee, Tiki có giá trị lớn hơn rồi yêu cầu chị Th chụp lại hình ảnh sản phẩm chọn mua, đồng thời chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Lúc này, các đối tượng không chuyển lại tiền gốc cùng khoản hoa hồng cho chị Th như cam kết mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền của chị.
    Theo thông tin từ Công an tỉnh Bắc Giang, tội phạm lợi dụng mạng xã hội, trang web giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang diễn ra ngày càng phức tạp. Chỉ riêng từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 31 vụ liên quan đến tội phạm sử dụng không gian mạng để chiếm đoạt 26 tỷ đồng. Trong đó, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có 23 vụ (chiếm 74%); tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng có 3 vụ (chiếm 10%); hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao khác có 5 vụ (chiếm 16%).
     Thượng tá Trần Huy Việt, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết, các loại tội phạm có sử dụng công nghệ cao ngày càng đa dạng, phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hiện nay đang xuất hiện một số thủ đoạn mới như: Gửi Email sao kê giả mạo với nội dung khách hàng có dư nợ cần thanh toán; tạo lập các trang giả danh cơ quan để lừa đảo; tạo lập các ứng dụng sàn giao dịch chứng khoán để lừa đảo... Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an tỉnh đã điều tra, làm rõ, khởi tố 14 vụ, 43 bị can. Trong đó, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có 6 vụ, 18 bị can.
     Để ngăn chặn các loại tội phạm trên, cơ quan công an khuyến cáo mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước những thông tin mời chào các hình thức làm thêm kiếm tiền trên mạng xã hội; đầu tư tài chính vào những sàn giao dịch không đáng tin cậy. Các tổ chức, đoàn thể liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, hội viên về những mánh khóe của tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Từ đó, chủ động phòng tránh, không mắc lừa.

Nguồn: baobacgiang.com.vn

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp