Công tác tái hoà nhập cộng đồng được xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt, nhằm thực hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù. Làm tốt công tác này sẽ giúp cho người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng, xây dựng cuộc sống lương thiện, có ích cho xã hội; đồng thời góp phần tích cực vào việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm nói chung và tình trạng tái phạm tội đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng.
Xác định rõ điều này, những năm qua, Công an huyện Tân Yên đã chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể, cấp uỷ, chính quyền cơ sở thực hiện quyết liệt nội dung công tác này. Trong đó, tập trung quản lý, giáo dục, giúp đỡ người trong diện tái hoà nhập cồng đồng trở về địa phương ổn định cuộc sống, không còn tâm lý mặc cảm, tự ti; không tái phạm và không vi phạm pháp luật; tập trung lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Cán bộ Công an huyện thăm hỏi, động viên các công dân tái hòa nhập cộng đồng
Ngoài ra, hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tìm kiếm việc làm, định hướng nghề nghiệp. Cán bộ Công an huyện đã chủ động tham mưu các cấp có thẩm quyền phối hợp với các đơn vị liên quan sử dụng các nguồn tín dụng để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người trong diện tái hoà nhập cộng đồng để phát triển sản xuất; giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề… Từ đó tạo điều kiện cho người chấp hành án phạt tù có công việc và thu nhập ổn định, không còn tâm lý tái phạm tội.
Để giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng, mỗi cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các gia đình cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp quản lý, giám sát, giáo dục, hỗ trợ người trong diện tái hoà nhập cộng đồng; phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng đơn vị, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá kết quả. Từ đó chủ động nắm tình hình, điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng chính đáng của người chấp hành xong án phạt tù để tư vấn, hướng dẫn họ thực hiện tốt kế hoạch tái hoà nhập cộng đồng của bản thân, giúp họ có việc làm và nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình; trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Nguyễn Quỳnh - CAH Tân Yên./.