Vì nhiều lý do, họ đã phạm tội và phải trả giá cho những lỗi lầm của mình. Chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá hoặc tha tù trước thời hạn trở về địa phương, bên cạnh sự giúp đỡ của gia đình, thì chính quyền, các đoàn thể, nhất là lực lượng công an đã luôn động viên, khích lệ giúp họ quên đi mặc cảm để làm lại cuộc đời.
Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” của UBND tỉnh Bắc Giang, chính quyền các địa phương và lực lượng công an đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù làm ăn lương thiện, trở thành người có ích.
Được hỗ trợ vay vốn, anh Nguyễn Tiến C (SN 1967) ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) nhanh chóng quay lại nghề cơ khí. |
Huyện Việt Yên được đánh giá là địa phương làm tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng. Trung tá Vũ Xuân Tuân, Phó Trưởng Công an huyện cho biết: Công an huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch về việc tư vấn hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Tổ chức cuộc thi “Hành trình của niềm tin”; toạ đàm chủ đề “Con đường sáng” để nắm bắt nguyện vọng. Nhiều mô hình giúp đỡ người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng được thành lập.
Tiêu biểu như mô hình 'Tổ phụ nữ cảm hóa, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng' ở xã Quang Châu. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân 200 triệu đồng cho 2 trường hợp ở xã Vân Trung và Nghĩa Trung có vốn phát triển sản xuất. Công an huyện yêu cầu các địa phương nhanh chóng thống kê, lập danh sách, phân loại đối tượng chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định... Trên cơ sở đó tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan tập trung các nguồn lực tổ chức giúp đỡ các đối tượng một cách hiệu quả nhất.
Tính đến giữa tháng 4/2023, trên địa bàn tỉnh đang quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ 2.578 người chấp hành xong hình phạt tù. Trong đó có 151 người được đặc xá, 12 người diện tha tù trước thời hạn có điều kiện đang chấp hành thời gian thử thách, số còn lại là chấp hành xong án phạt tù. |
Trước khi bị tuyên án 13 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, anh Nguyễn Tiến C (SN 1967) ở Tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) từng làm chủ một xưởng cơ khí, tạo việc làm cho hơn chục lao động. Sau hơn 8 năm cải tạo, anh được đặc xá trở về địa phương vào cuối tháng 1 vừa rồi. Sau gần chục năm cải tạo, mong ước quay lại nghề cũ, luôn đau đáu.
Đem tâm tư này trao đổi với Trung tá Nguyễn Trọng Chiến, Trưởng Công an thị trấn Nham Biền và ông Đào Xuân Thế, Tổ trưởng Tổ dân phố. Được hai người động viên, hướng dẫn làm thủ tục tiếp cận vốn ưu đãi, chỉ sau ít ngày, anh đã được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hôm tôi đến nhà cũng là cơ sở cơ khí cũ gia đình nay được anh sang sửa lại, mua sắm máy hàn, một số vật dụng cần thiết khác rồi bắt tay ngay vào việc. Anh bảo: Ngày ấy tôi mắc sai lầm và bị trả giá. Nay trở về, vui mừng vì mình đã được chính quyền địa phương, công an quan tâm động viên, giúp đỡ để tôi quay trở lại với nghề cũ.
Xác định vấn đề việc làm là con đường sáng giúp đỡ những người lầm lỗi, tại huyện Hiệp Hoà, Công an huyện gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 10 người. Điển hình là anh Nguyễn Văn H (SN 1992) ở thôn Vạn Thách, xã Hoàng Vân được giới thiệu vào làm tại Công ty May xuất khẩu Hà Phong, thu nhập từ 5-7 triệu đồng mỗi tháng; giúp đỡ chị Nguyễn Thị T (SN 1981) ở thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh một máy may để chị làm tại nhà, mỗi tháng thu nhập khoảng 7 triệu đồng.
Hay như mô hình “Tổ tự quản hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng” xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) đã liên hệ với hai công ty trên địa bàn xã giới thiệu cho anh Trần Văn C (SN 1989) và Nguyễn Tuấn A (SN 1989) là những người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc với mức lương thử việc từ 3-4 triệu đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện việc làm cho người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù như: Công ty May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hoà); Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Thanh Thìn (Lạng Giang); Công ty TNHH Chiến Đại Thắng (Lạng Giang).
Hiện trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 144 mô hình về công tác tái hoà nhập cộng đồng với những tên gọi như: Hỗ trợ vững bước trên con đường hoàn lương; Cộng đồng chung tay giúp người lầm lỡ tái hoà nhập cộng đồng; Tổ tự quản quản lý, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi; CLB cùng nhau tiến bộ; Đồng hành hướng tới tương lai; Tổ tự quản hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng…
Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Phó Trưởng phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh) cho rằng, đối với những người chấp hành xong hình phạt tù, trở về địa phương sinh sống thường có tâm lý tự ti, sợ xã hội xa lánh khiến họ sống thu mình và e ngại các hoạt động với xã hội, với cộng đồng. Do vậy, những mô hình hỗ trợ, chương trình tư vấn, giúp đỡ, giới thiệu việc làm mà lực lượng công an chủ trì phối hợp đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa những người từng lầm lỗi với xã hội, với chính quyền, giúp họ tự tin tái hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích.
Ban biên tập