Thứ bảy, 02/11/2024
(Thứ tư, 27/11/2019, 09:24 am GMT+7)

 

(BGĐT) - Gần đây, tình trạng tàng trữ, mua bán, sử dụng súng tự chế tại một số địa phương trong tỉnh Bắc Giang có chiều hướng gia tăng. Đây là loại vũ khí rất nguy hiểm, độ sát thương cao, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Ẩn họa súng tự chế

Là người nhiều năm phụ trách công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Lục Nam) cho biết: "Hiện nay, để sở hữu một khẩu súng tự chế không khó bởi linh kiện lắp ráp được bày bán nhiều ở biên giới. 

Cán bộ Công an TP Bắc Giang phân loại súng tự chế để tiêu hủy.

Cán bộ Công an TP Bắc Giang phân loại súng tự chế để tiêu hủy.

Thậm chí chỉ cần vào các trang mạng, facebook… người dân có thể dễ dàng tìm thấy các địa chỉ bán linh kiện và hướng dẫn cách lắp ráp. Cũng vì đơn giản, rẻ tiền, nhiều thanh, thiếu niên lén lút lắp ráp rồi sử dụng. Đây là loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm, có độ sát thương cao nên một số đối tượng đã sử dụng để giải quyết mâu thuẫn”.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra gần chục vụ sử dụng súng tự chế để gây án. Hầu hết các vụ việc đều xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân. Điển hình, khoảng 21 giờ ngày 5-10, tại quán bia ở xã Phúc Sơn (Tân Yên), anh Nguyễn Văn Thùy (SN 1987) ở thôn Lý Cốt, xã Phúc Sơn xảy ra mâu thuẫn với Nguyễn Văn Luân (SN 1991) ở thôn Phú Thành, xã Đại Hóa (Tân Yên). 

Được mọi người can ngăn, Luân (mang theo súng tự chế) cùng bạn rời quán bia và di chuyển bằng xe máy về hướng xã Lam Cốt. Thấy vậy, Thùy rủ anh Nguyễn Đình Thành (SN 1992) ở thôn Khánh Châu, xã Phúc Sơn đi xe máy đuổi theo. Đến khu vực cầu Chản, xã Lam Cốt, thấy xe của anh Thùy bám sát, Luân dùng súng tự chế bắn về phía sau khiến anh Thành bị thương ở vai.

Trước đó, khoảng 0 giờ 40 phút ngày 9-9, khi đang ngủ trong nhà, anh Đồng Xuân Đạt (SN 1993) ở thôn Quản Hái Hồ, xã Vô Tranh (Lục Nam) nghe tiếng súng nổ trước cửa nên bật dậy. Vừa định mở cửa kiểm tra, anh Đạt bị đạn xuyên qua cửa xếp găm nhiều vết vào ngực trái và hai cánh tay.

Không chỉ gây thương tích cho người khác, trong năm nay, hành vi sử dụng súng còn dẫn đến 15 vụ vỡ sứ và đứt cáp quang, gây hư hỏng thiết bị dẫn đến gián đoạn việc cung cấp và an toàn lưới điện trên địa bàn.

Tăng tính răn đe

Để đấu tranh, ngăn chặn hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép súng tự chế, tháng 10 vừa qua, Công an tỉnh triển khai đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hành vi này. Theo đó, các phòng chuyên môn thuộc Công an tỉnh, Công an các huyện, TP tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật. 

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra gần chục vụ sử dụng súng tự chế để gây án. Lực lượng công an phát hiện, bắt giữ 17 vụ mua bán, vận chuyển linh kiện chế tạo súng; vận động người dân tự giao nộp 129 khẩu súng tự chế, 2 súng hơi, 2 súng kíp…

 

Tại huyện Lục Nam, cán bộ Công an huyện trực tiếp về các xã: Trường Sơn, Lục Sơn, Bình Sơn và Vô Tranh rà soát các hộ còn giữ súng săn trong nhà, vận động giao nộp được 10 khẩu. 

Còn tại huyện Tân Yên - địa bàn được xác định là điểm “nóng” về hoạt động buôn bán linh kiện lắp ráp, chế tạo súng, Công an huyện yêu cầu tất cả các đội nghiệp vụ phải vào cuộc, trong đó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ giữ vai trò nòng cốt. 

Nhờ chủ động nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng nghi vấn, từ khi triển khai kế hoạch đến nay, Công an huyện phối hợp với một số đơn vị liên quan phát hiện, bắt giữ 10 vụ buôn bán, vận chuyển linh kiện chế tạo súng, thu nhiều tang vật liên quan với tổng giá trị hàng hóa gần 500 triệu đồng.

Thống kê của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), năm nay, toàn lực lượng đã phát hiện, bắt giữ 17 vụ mua bán, vận chuyển linh kiện chế tạo súng, thu giữ nhiều tang vật liên quan; vận động người dân tự giao nộp 129 khẩu súng tự chế, 2 súng hơi, 2 súng kíp… Theo đánh giá, dù được đưa vào danh mục các loại vũ khí cấm cá nhân sở hữu, tàng trữ song do thói quen cũng như dễ tìm nên nhiều người vẫn chế tạo để săn bắn, phòng thân. Mặt khác, do chế tài xử lý thấp (theo quy định chỉ bị xử lý hành chính) nên thiếu tính răn đe.

Để tránh hậu quả đáng tiếc, cơ quan chức năng khuyến cáo, các gia đình quan tâm giáo dục con em mình không chế tạo các loại vũ khí. Mỗi người dân cần tích cực tham gia tố giác tội phạm; chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt, phát hiện và tuyên truyền, vận động người dân giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan chức năng. 

“Tới đây khi Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thì hành vi chế tạo, mua bán, sử dụng "vũ khí có tính năng tương tự như vũ khí quân dụng" sẽ bị truy tố, qua đó tăng tính răn đe”, Thiếu tá Lưu Văn Quân, Đội trưởng Đội Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và con dấu, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) thông tin.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp