Thứ sáu, 11/10/2024
(Thứ tư, 19/06/2024, 01:35 pm GMT+7)

Giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng - Một việc làm thể hiện đậm nét tính nhân văn

Công tác tái hòa nhập cộng đồng được hiểu là quá trình thực hiện tổng thể các biện pháp nhằm trang bị kiến thức văn hóa, pháp luật, tâm lý, pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp… cho những người từ khi đang chấp hành án phạt tù đến khi họ đã trở về với cuộc sống xã hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập với gia đình, cộng đồng và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, dưới sự tác động, giúp đỡ tích cực của các cơ sở giam giữ phạm nhân, chính quyền cơ sở, gia đình và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, nghề nghiệp, cùng với đó là sự cố gắng và nỗ lực phấn đấu của chính bản thân người phạm tội. Đây là công tác đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo bảo an ninh trật tự.

Người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện (gọi chung là người chấp hành xong án phạt tù) sau khi trở về địa phương nơi cư trú họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Trước hết xuất phát từ ngay chính bản thân của họ, phần lớn trong số họ đều cảm thấy vui mừng vì được trở về với cuộc sống tự do. Nhưng họ cũng có sự lo lắng cho cuộc sống sau này khi mà không còn công ăn việc làm, không có tiền vốn để làm ăn, sợ bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh. Nhiều người thì mặc cảm về tội lỗi do mình gây ra, cũng có người còn oán hận khi phải chịu cảnh gia đình tan vỡ, người thân ruồng bỏ trong thời gian họ chấp hành án phạt tù, dẫn đến tuyệt vọng, buông xuôi và họ thường sẽ sống kín đáo, ngại tiếp xúc với mọi người và ít tham gia những hoạt động xã hội tại địa phương.

Những khó khăn mà người CHXAPT có thể sẽ phải đối mặt

Trong thời gian khó khăn, thử thách này, họ rất cần sự giúp đỡ của gia đình và toàn xã hội để vượt qua những rào cản của bản thân, sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, thắp sáng niềm tin cho những cuộc đời lầm lỗi

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhân đạo, khoan hồng nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác tái hòa nhập cộng đồng cũng luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc hòa nhập cộng đồng của một bộ phận người chấp hành xong án phạt tù còn gặp nhiều khó khăn.

Qua khảo sát trung bình hằng năm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều có gần 1.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú. Tuy nhiên, trong số đó không ít người vẫn còn tư tưởng tự ti, mặc cảm với quá khứ lầm lỗi của mình, khó khăn trong tìm kiếm việc làm, không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, trong xã hội không ít người dân còn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù. Do vậy, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với chính quyền, địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trong việc cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Trước tình hình đó, ngày 06/11/2021, với sự tham mưu của Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 2229/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”. Việc ban hành Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các biện nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống, ngăn ngừa tái phạm tội và vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nội dung, giải pháp của Đề án

Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội trên địa bàn tỉnh trong giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, giúp người chấp hành xong án phạt tù thấy được lỗi lầm, xóa bỏ mặc cảm, an tâm lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống mới sau khi hoàn lương.

Người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều được tiếp nhận và thực hiện quy trình quản lý, giáo dục, giúp đỡ; được quan tâm thăm hỏi động viên, được tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ các thủ tục pháp lý và cấp các giấy tờ liên quan đến cá nhân, được quan tâm giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh... Đến nay, rất nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú đã ổn định cuộc sống, vươn lên trở thành những người công dân có ích cho xã hội. Đa số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương đều chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tỉ lệ người tái phạm tội giảm theo từng năm (năm 2022 giảm xuống còn 2,98%, năm 2023 còn 2,17%) góp phần bảo đảm an ninh trật tự địa phương.

Lực lượng Công an tỉnh phối hợp hỗ trợ tư vấn việc làm cho người CHXAPT

Cơ hội mới từ chính sách tín dụng dành riêng cho người chấp hành xong án phạt tù

Ngày 17/8/2023, của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2023. Đây là chính sách tín dụng đầu tiên dành riêng cho người chấp hành xong án phạt tù, thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đối với những người lầm lỗi, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, có nguồn vốn để học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định 02 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: (1)Người chấp hành xong án phạt tù (bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá); (2)Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Về mức vốn cho vay: Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; Cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Về phương thức cho vay, đối với người chấp hành xong án phạt tù thì đại diện hộ gia đình đứng tên vay vốn và giao dịch với ngân hàng; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.

Sau khi quyết định có hiệu lực thi hành, Công an tỉnh đã phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, tuyên truyền phổ biến rộng rãi nội dung của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg trên địa bàn toàn tỉnh. Qua rà soát rà soát nhu cầu, thẩm định hồ sơ vay vốn, từ khi triển khai thực hiện Quyết định đến nay đã có 196 người chấp hành xong án phạt tù đã được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân cho vay vốn với tổng số tiền vay là 19.060.000.000 đồng. Thông qua nguồn vốn vay, đã giúp cho người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện thuận lợi để học nghề, sản xuất, kinh doanh, có việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, từ đó làm giảm nguy cơ tái phạm, tạo nền tảng thuận lợi cho việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

 Bên cạnh đó, chính sách tín dụng này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg như một luồng sinh khí mới, giúp những người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội để làm lại cuộc đời. Đồng thời, thể hiện sự chung tay của Nhà nước và toàn xã hội trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Xây dựng, nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xây dựng, nhân rộng và đang duy trì hoạt động tổng số 210 mô hình về tái hòa nhập cộng đồng, gồm: 122 mô hình “Tổ tự quản hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng”, 32 mô hình “Tuyên truyền, quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”, 08 mô hình “Nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác tái hòa nhập cộng đồng”, 18 mô hình “Tổ phụ nữ cảm hóa, giáo dục người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”, 05 mô hình “Chung tay giúp đỡ để nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác tái hòa nhập cộng đồng”, 04 mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại địa bàn dân cư”, 02 mô hình “Tái hoà nhập cộng đồng”, 03 mô hình “Câu lạc bộ cùng nhau tiến bộ”, 02 mô hình “Hội nông dân phòng chống tội phạm, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng”, 02 mô hình “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và quản lý, giám sát, giáo dục người CHXAPT, 01 mô hình “Tuyên truyền, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”, 01 mô hình “Liên kết Công an và các tổ chức chính trị xã hội trong tuyên truyền, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”, 01 mô hình “Đồng hành hướng tương lai”, 01 mô hình “Hỗ trợ vững bước trên con đường hoàn lương”, 01 mô hình “Cộng đồng chung tay giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”, 01 mô hình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương vì ngày mai tươi sáng”, 01 mô hình “Giúp đỡ hoà nhập cộng đồng”, 01 mô hình “Hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng”; 01 mô hình “Vì một tương lai tươi đẹp cho bạn và người thân”, 01 mô hình “Chúng tôi giúp bạn”, 01 mô hình “Tuyên truyền, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng”, 01 mô hình “Vì ngày mai tương sáng”.

Các mô hình đã và đang đi vào hoạt động hiệu quả và đã đạt được những kết quả thiết thực trong việc cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rất nhiều tấm gương người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu trong tái hòa nhập cộng đồng, điển hình như anh Vũ Ngọc Hữu, sinh năm 1971, ở thôn Đồng Khanh, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, chấp hành hình phạt 17 năm 06 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý” và trở về địa phương ngày 28/8/2020, anh Hữu được vay vốn với số tiền 100 triệu đồng từ nguồn vốn do Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân để đầu tư trồng cây dược liệu, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 người, thời vụ có thời điểm trên 40 người, trong đó có 02 người CHXAPT trên địa bàn xã, tạo thu nhập cho họ từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng/người. Anh Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1973, ở thôn Hoàng Lại, xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, chấp hành xong hình phạt 09 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và trở về địa phương ngày 27/5/2021, anh Bình được vay vốn với số tiền 100 triệu đồng từ nguồn vốn do Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân để đầu tư máy may và mở xưởng may tư nhân tại gia đình, giúp đỡ tạo việc làm cho từ 10 đến 12 người dân trên địa bàn xã có việc làm, có thu nhập với mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng/người. Anh Nguyễn Tiến Cảnh, sinh năm 1967, ở tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, anh Cảnh chấp hành xong hình phạt 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trở về địa phương ngày 27/01/2023, anh Cảnh được vay vốn với số tiền 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để mở xưởng cơ khí tại gia đình, tạo công ăn việc làm cho 07 người dân tại địa phương, trong đó có 02 người người CHXAPT, tạo thu nhập hằng tháng từ 10 đến 15 triệu đồng/người/tháng, dự kiến trong thời gian tới anh Cảnh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó còn rất nhiều cá nhân người chấp hành xong án phạt tù được giúp đỡ đến nay đã tích cực làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cùng chung tay giúp đỡ những người người lầm lỗi sớm hoàn lương

Để công tác tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả rất cần có sự vào cuộc của gia đình người chấp hành xong án phạt tù, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội cùng chung tay giáo dục, giúp đỡ những con người lầm lỗi từ ngay khi họ đang chấp hành án phạt tù, đến khi họ đã thực sự trở về với cộng đồng xã hội. Nếu được quan tâm giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề một cách bài bản ngay từ khi đang trong quá trình cải tạo tại cơ sở giam giữ, sẽ giúp cho họ có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết, cảm nhận được sự cảm thông, chia sẻ, tránh rơi vào trạng thái bi quan, buồn chán; đồng thời giúp cho họ hiểu rõ được giá trị của lao động, giá trị của cuộc sống tự do, từ đó tích cực học tập, lao động, cải tạo, phấn đấu để được giảm án sớm trở về với gia đình và xã hội. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương cộng thêm sự đón nhận, cảm thông từ gia đình, người thân; sự quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã hội... sẽ giúp cho họ thoát khỏi sự mặc cảm với quá khứ lầm lỗi của bản thân và nỗ lực phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội./.

Ban biên tập

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp