Thứ ba, 12/11/2024
(Thứ tư, 02/10/2024, 08:06 am GMT+7)

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn đang diễn biến phức tạp. Các đối tượng kỳ công "giăng bẫy" với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Để tránh không trở thành “con mồi”, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, hợp tác với lực lượng công an khi có nghi ngờ.   

Làm quen, dụ dỗ đầu tư

Trong 9 tháng qua, lực lượng công an toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 33 vụ liên quan tội phạm lợi dụng công nghệ cao, trong đó có 28 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 40 tỷ đồng. Các thủ đoạn gồm: Lừa mua, bán hàng (7 vụ); giả danh cơ quan tư pháp, bác sĩ (5 vụ); đầu tư tài chính (5 vụ); tuyển cộng tác viên (5 vụ); giả mạo Facebook (2 vụ)...

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tuyên truyền cho học sinh Trường THPT Giáp Hải (TP Bắc Giang) về tội phạm trên không gian mạng.

 

Qua rà soát cho thấy lừa đảo tài chính là có quy mô lớn nhất, phức tạp nhất. Các đối tượng khéo léo che đậy, kỳ công “giăng bẫy” khiến nhiều nạn nhân không biết bản thân bị lừa như thế nào. Phổ biến nhất là lôi kéo tham gia đầu tư tiền ảo trên các sàn giao dịch. Các nhóm đối tượng lập ra các sàn, trang web đầu tư tài chính giả mạo sàn quốc tế, thậm chí tự cho ra đời các loại tiền ảo để lôi kéo nhà đầu tư dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), các đối tượng thiết lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia vào các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo, Telegram. Sau khi nhà đầu tư tham gia vào nhóm, các đối tượng và thành viên trong nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện để thuyết phục tham gia đầu tư tài chính. Cam kết ban đầu với mức lãi suất hằng tháng rất cao.

Thấy số tiền đầu tư thấp, lãi suất lại cao đã khiến nhiều người tin tưởng đầu tư. Khi số tiền đầu tư đã lớn, nhóm đối tượng tiếp tục yêu cầu phải mời thêm người tham gia hoặc đầu tư thêm tiền. Hầu hết các nạn nhân đều được tư vấn chi tiết cách thức mở tài khoản đầu tư các khoản tiền nhỏ để thử và nhận lại lãi suất rất cao để thu hút thêm các nạn nhân khác.

Trường hợp ông L.Q.T (SN 1952) ở xã Quang Tiến (Tân Yên) là một ví dụ. Mặc dù có cảnh giác, kịp thời báo cho chính quyền và lực lượng công an nhưng đây vẫn là bài học cho nhiều người. Theo ông T, trong một lần đến nhà bạn ở thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) chơi, ông có quen hai người là V.V.T (SN 1964, nam) và T.T.M (SN 1984, nữ) đến từ tỉnh Đắk Lắk. Hai người này tự xưng là nhân viên một doanh nghiệp có sản phẩm là “mạng xã hội mới” với nhiều tính năng ưu việt. Sau vài lần tiếp xúc, ông T được giới thiệu, vận động mua cổ phần của công ty này cùng lời cam kết hưởng lãi suất 10%/năm, sau 3 năm có thể lấy lại cả vốn và lãi.

Ông T đã đưa cho hai người này 2,4 triệu đồng để lập tài khoản và được mời ra Hà Nội để dự sự kiện ra mắt “mạng xã hội mới” với lời hứa khi ra đó sẽ được nhận 10 triệu đồng. Nghe theo, ông T đi ra Hà Nội nhưng chẳng được đồng nào. Sau đó, các đối tượng liên tục gọi điện hối thúc ông T chuyển thêm tiền, nạp vào tài khoản để được hưởng lãi suất cao, hứa hẹn mời ông dự hội thảo được tổ chức tại TP Bắc Giang. Thấy nghi ngờ, ông T đã trình báo chính quyền, công an xã. Đội nghiệp vụ của Công an huyện Tân Yên và Công an xã đã làm việc với ông T, ghi nhận nội dung vụ việc và tuyên truyền, khuyến cáo ông T cũng như người dân về nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Nhận diện chính xác thủ đoạn

Qua nghiên cứu hồ sơ các vụ việc, lực lượng công an chỉ rõ điểm chung của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là các đối tượng sử dụng mạng xã hội để đăng thông tin mời gọi đầu tư tài chính với lãi suất cao, không cần đi làm, ở bất cứ nơi đâu cũng kiếm được nhiều tiền; các sàn giao dịch bao lỗ, bao cháy tài khoản… Khi “con mồi” đã tin tưởng, bị lòng tham che mờ mắt, chúng bắt đầu diễn màn kịch “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Các đối tượng sẽ để cho người đầu tư hưởng lợi nhuận dễ dàng trong các giao dịch đầu tiên để dẫn dụ họ bỏ ra số tiền đầu tư lớn rồi mới “thu lưới”, chiếm đoạt tiền.

Hiện nay có 4 nhóm thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng gồm: Nhóm giả danh, giả mạo cá nhân, tổ chức; nhóm kiếm tiền online; nhóm lừa đảo khi mua hàng trực tuyến; nhóm làm quen, kết bạn, lừa tình, lừa tiền từ thiện.

Để phòng ngừa, Công an tỉnh tập trung nhận diện sớm, đúng về nhóm tội phạm này nhằm có biện pháp đấu tranh hiệu quả; tổ chức các đợt tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn. Thực hiện quyết liệt đề án “Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng giai đoạn 2024 - 2030”; tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về an ninh mạng; ứng xử và phòng tránh thông tin giả, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng”. 9 tháng qua, công an toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức hơn 600 buổi tuyên truyền nhận diện, phòng tránh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; cùng đó tiếp nhận, xác minh xử lý nhiều vụ việc lừa đảo công nghệ cao.

Thiếu tá Vương Toàn Thắng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho rằng người dân không tham gia đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ thông tin, không tham gia đầu tư khi chưa có đủ kiến thức. Kiểm tra kỹ các trang web, ứng dụng đường link trước khi truy cập, tải về. Không làm theo hướng dẫn kiếm tiền của các đối tượng lạ trên mạng. Các cách kiếm tiền đơn giản trên mạng đều là lừa đảo, tuyệt đối không tin theo. Không chuyển tiền cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ về họ và mục đích chuyển tiền; gặp mặt trực tiếp hoặc gọi điện thoại thông thường để xác thực trước khi chuyển tiền. Khi gặp trường hợp nghi ngờ lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Theo báo Bắc Giang

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp