Tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên thế giới diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng mạnh cả về nguồn cung và nguồn cầu, đã có tác động mạnh mẽ đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy trong nước ta.
Các lực lượng phòng, chống ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan chức năng đã và đang phải đối mặt với cuộc chiến cam go, khốc liệt trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động của tội phạm ma túy.
Áp lực, hiểm họa ma túy bủa vây tứ phía
Trung tướng Nguyễn Văn Viện cho biết, sau thời gian không dài, Văn Phòng Bộ Công an và Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an với vai trò chủ công đã phối hợp cùng các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và các bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung hoàn thành báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an. Trưởng thành từ người lính đánh án trên mặt trận phòng, chống ma túy và đến nay giữ cương vị Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, theo Trung tướng Nguyễn Văn Viện, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu vô cùng cấp thiết, phù hợp trong bối cảnh và giai đoạn hiện nay.
Lực lượng Công an kiểm tra một quán bar để ngăn chặn tệ nạn ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Ảnh minh họa
Căn cứ đầu tiên được Trung tướng Nguyễn Văn Viện đưa ra đó chính là áp lực từ thực trạng tình hình ma túy hiện nay vô cùng khủng khiếp. Trong những năm qua, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên thế giới diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng mạnh cả về nguồn cung và nguồn cầu. Nguồn cung của ma túy trên thế giới được ghi nhận tăng liên tục trong 5 năm qua (mức tăng 20 - 25%/năm); với lượng ma túy sản xuất bình quân hằng năm lên đến 3.000 tấn các loại. Thế giới hiện đã ghi nhận 1.240 chất hướng thần mới, trong đó chỉ có 78 chất nằm trong danh mục kiểm soát của các công ước quốc tế về ma túy. Hoạt động trồng trái phép cây có chứa chất ma túy tiếp tục diễn ra ở nhiều quốc gia với sản lượng thuốc phiện và cocain toàn cầu tăng mạnh nhất là sản xuất ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới, cần sa tổng hợp…
Về nguồn cầu, lãnh đạo Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy cũng đánh giá, số người sử dụng ma túy trên thế giới gia tăng trung bình 23% sau 10 năm từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người năm 2023 (tương đương 5,8% dân số toàn cầu trong độ tuổi 15-64) và dự báo lên hơn 300 triệu người vào năm 2030, làm cho nguồn cầu của ma túy trên toàn cầu tăng mạnh.
Đáng lo ngại là xu hướng hợp pháp hóa việc sử dụng và lưu hành một số loại ma túy và tình trạng sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp ở người trẻ tuổi gia tăng phức tạp ở nhiều quốc gia. Sự bùng nổ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ số đã mang lại nhiều thay đổi trong các hoạt động mua bán trái phép chất ma túy, làm cho chuỗi cung ứng ngắn hơn, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận thị trường. Việc mua bán trái phép các chất ma túy trên không gian mạng và các sàn thương mại điện tử diễn ra phức tạp và khó kiểm soát; các đối tượng sử dụng tiền điện tử, tiền ảo để giao dịch gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật phòng, chống ma túy.
Áp lực từ tình hình ma túy trong khu vực và các nước láng giềng cũng đang ngày càng "nóng". Tại khu vực Đông Nam Á, vùng Tam giác vàng (nằm ở vị trí địa lý gần Việt Nam) trở thành "điểm nóng" về ma túy và hiện không chỉ là địa bàn sản xuất các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện và heroin mà đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất và tiêu thụ ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới. Từ nhiều năm qua, phần lớn số ma tuý được vận chuyển về Việt Nam bị bắt giữ được xác định có nguồn gốc từ Tam giác vàng. Khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Công đã phát hiện phương thức mới để vận chuyển ma túy như dùng thiết bị bay điều khiển từ xa hoặc thậm chí đào hầm để vận chuyển ma túy qua biên giới.
Nhiều nước trong khu vực có diện tích trồng cây thuốc phiện tăng. Việc Trung Quốc đẩy mạnh triệt phá các cơ sở sản xuất ma túy trong nội địa dẫn đến xu hướng dịch chuyển, lấy khu vực Tam giác vàng làm địa bàn hoạt động khiến tình hình ma túy tại khu vực gia tăng phức tạp. Tại Lào, tình hình ma túy tiếp tục diễn biến rất phức tạp; đáng chú ý thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tục triệt phá các vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và sản xuất ma túy tổng hợp với số lượng đặc biệt lớn (tại Thủ đô Viêng Chăn và nhiều tỉnh sát biên giới với Việt Nam), tạo ra áp lực rất lớn, tác động trực tiếp đối với tình hình ma túy nước ta.
Bên cạnh đó, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự hình thành cộng đồng ASEAN với những chính sách thông thoáng, mở cửa thu hút đầu tư cũng là điều kiện để tội phạm ma túy triệt để lợi dụng hoạt động. Đặc biệt, việc Thái Lan hợp pháp hóa trồng và sử dụng cần sa, Lào trồng và sản xuất sản phẩm từ cây gai dầu (có chứa chất ma tuý THC) đã phần nào ảnh hưởng đến sự thống nhất trong chính sách phòng, chống ma túy chung của ASEAN từ trước đến nay; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy và công tác đấu tranh phòng, chống ma túy tại Việt Nam.
Những cuộc chiến không khoan nhượng
Trực tiếp là Trưởng ban chuyên án, chỉ đạo đánh nhiều chuyên án ma túy lớn xuyên quốc gia, bắt giữ hàng trăm đối tượng tội phạm ma túy với số lượng ma túy được tính bằng tấn, Trung tướng Nguyễn Văn Viện cho biết, trong giai đoạn từ 2021-2023, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy toàn quốc phát hiện, đấu tranh 76.614 vụ với 115.815 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 1.872,42kg heroin, 2.001,45kg cần sa, 8.841,61kg và 7.974.760 viên ma túy tổng hợp, trên 300 khẩu súng ngắn, gần 120 tỷ đồng; triệt xóa 1.633 điểm, 142 tụ điểm; xử lý hình sự 5.501 đối tượng và trên 10.000 đối tượng bị xử phạt hành chính liên quan đến ma túy. Chỉ tính riêng trong năm 2023, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy của Bộ Công an đã phát hiện, triệt xóa 226 vụ, bắt giữ 1.093 đối tượng tội phạm ma túy hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài.
Số ma tuý “khủng” ngụy trang trong các bao xi măng bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.
Cũng theo lãnh đạo Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an, tình hình tội phạm, tệ nạn và ma tuý trong nước chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình ma tuý các nước trong khu vực. Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường hàng không và đường biển với phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi. Các đối tượng trang bị các loại vũ khí quân dụng, manh động, sẵn sàng chống trả và gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ. Đã hình thành nhiều đường dây, có sự câu kết của cả đối tượng trong nước và nước ngoài, hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia.
Hiện nay, tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến như Tây Bắc, Tây Nam, Bắc miền Trung - Tây Nguyên… vẫn phức tạp. Ma tuý được mua bán, vận chuyển từ khu vực Tam giác vàng về khu vực biên giới của Lào, Campuchia với số lượng nhiều, giá rẻ, sẵn sàng được các đối tượng lợi dụng điều kiện thuận lợi để vận chuyển vào nước ta. Trung tướng Nguyễn Văn Viện không khỏi trăn trở khi trên một tuyến vẫn tồn tại 24 điểm phức tạp về ma tuý, gần 30.000 người nghiện và người sử dụng trái phép ma tuý, 275 đối tượng truy nã. Đặc biệt, các đối tượng trong nước câu kết với các đối tượng sống ở khu vực giáp biên để điều hành việc mua bán ma túy. Một số đối tượng người Việt Nam lợi dụng việc sang Campuchia du lịch, thăm thân, làm ăn, buôn bán, móc nối với các đối tượng người Campuchia hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy cũng đánh giá, ma túy không chỉ đi đường bộ mà trên tuyến hàng không, đường biển đang ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 đến nay. Các đối tượng ngụy trang cất giấu ma túy cùng hàng hóa chuyển phát nhanh, hàng hóa ký gửi, bưu kiện vận chuyển hàng hóa qua các doanh nghiệp logistic với thông tin, địa chỉ, số điện thoại "ảo" để mua bán, vận chuyển ma túy. Thời gian qua, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy cùng với Công an các địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện các vụ vận chuyển ma túy tổng hợp với số lượng lớn qua đường hàng không từ các nước châu Âu và cocain từ Nam Mỹ vào Việt Nam (qua các cửa khẩu sân bay quốc tế) hoặc trung chuyển đi nước khác tiêu thụ.
Tuyến đường biển tiềm ẩn phức tạp, khó kiểm soát bởi hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn từ khu vực Tam giác vàng qua Việt Nam đi nước thứ ba. Nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động vận tải đường biển, sử dụng tàu đánh cá, tàu hoán cải, tàu dịch vụ để vận chuyển, trung chuyển ma túy từ các nước vào Việt Nam tiêu thụ hoặc chuyên chở đi nước thứ ba. Đáng chú ý xuất hiện tình trạng ma túy "thả nổi" trên biển ngày càng nhiều, trong đó, người dân và lực lượng chức năng tại một số tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam đã thu giữ số lượng lớn tang vật nhưng không xác định được đối tượng mua bán, vận chuyển có liên quan; tuy nhiên đã phát hiện các thiết bị định vị được gắn trong các gói ma túy. Điều này cho thấy, các đối tượng phạm tội đã triệt để lợi dụng khoa học kỹ thuật để giao dịch, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy trên tuyến đường biển.
Trong nội địa, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy diễn biến phức tạp, nhất là tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại địa bàn 25 tỉnh biên giới đường bộ với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ đều tăng mạnh qua các năm. Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy lợi dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng triệt để lợi dụng thành tựu, tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, Internet, không gian mạng để thực hiện các hành vi mua bán, vận chuyển, quảng cáo, lôi kéo, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Tình trạng ma túy "núp bóng", nhất là sử dụng ma túy trong thanh, thiếu niên tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự tiếp tục gia tăng, diễn biến rất phức tạp. Từ năm 2015 đến nay, Bộ Công an đã phát hiện hơn 40 chất ma túy mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp, nhóm chất hướng thần và nhóm ma túy tổng hợp. Tính riêng năm 2023 đã phát hiện 5 chất mới có tác dụng như nhóm cần sa tổng hợp./. (Còn nữa)
Theo Báo CAND