Thứ bảy, 20/04/2024
(Thứ ba, 23/02/2021, 03:57 pm GMT+7)

Rượu bia là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông. Vì vậy, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT của lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang.

Phát hiện nhiều trường hợp vi phạm

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Tương tự, người điều khiển xe mô tô cũng sẽ phải chịu mức xử phạt cao nhất từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng… Mặc dù chế tài quy định rất nghiêm khắc như vậy, thế nhưng nhiều người vẫn uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện, đặc biệt là thời điểm vào “vụ” tổng kết, tất niên, liên hoan, gặp mặt cuối năm hay đầu xuân năm mới gặp nhau “chén chú, chén anh”.

 Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2020 Bắc Giang là một trong 10 địa phương nằm trong tốp đầu cả nước xử lý nghiêm về nồng độ cồn với hơn 6.100 trường hợp, trong đó có hàng chục tài xế ô tô chịu xử phạt mức 40 triệu đồng. Riêng đợt cao điểm bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (từ ngày 15/12/2020 đến 2/2/2021), cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã xử lý hơn 1.000 trường hợp, nộp phạt nhiều tỷ đồng.

Để có cái nhìn thực tế hơn về tình trạng vi phạm nồng độ cồn, chúng tôi theo tổ công tác của Phòng CSGT Công an tỉnh làm nhiệm vụ vào một buổi tối. Ca trực bắt đầu từ 19 giờ 30 phút đến 2 giờ sáng do Trung tá Đỗ Văn Long, Phó đội trưởng làm tổ trưởng. Tuyến đường tỉnh 293 khu vực gần cầu Đồng Sơn (TP Bắc Giang) có nhiều phương tiện tham gia giao thông. 

Qua kiểm tra, lực lượng đã phát hiện gần chục trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chủ yếu là lái xe mô tô. Các lái xe khi bị CSGT thông báo có nồng độ cồn trong hơi thở đều viện đủ lý do để xin xỏ, mong bỏ qua lỗi vi phạm nhưng với tinh thần kiên quyết xử lý, tất cả đều phải ký vào biên bản vi phạm hành chính. Đơn cử như lái xe N.V.Ư ở xã Yên Lư (Yên Dũng) điều khiển xe mô tô 98B1-162.77 vi phạm ở mức 0,04 miligam/ lít khí thở; N.C.Q, xã Khám Lạng (Lục Nam) điều khiển xe mô tô 98B3-64221 vi phạm ở mức 0,06 miligam/ lít khí thở; T.M.H ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) điều khiển xe 98B3-74563 vi phạm ở mức 0,47 miligam/ lít khí thở…

Anh Thân Đức Tùng, một lái xe ô tô con cho rằng: “Mặc dù mức xử phạt rất nặng đối với người uống rượu bia điều khiển phương tiện, vừa đánh vào kinh tế, vừa bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời gian dài nhưng tôi nghĩ đây là biện pháp răn đe, cảnh báo hữu hiệu. Bởi uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kỹ năng lái xe, rất dễ gây tai nạn giao thông”.

Khép kín các tuyến, địa bàn trọng điểm

Trong kế hoạch chung triển khai công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2021, Phòng CSGT và Công an các huyện, TP xác định xử lý vi phạm nồng độ cồn được đặc biệt quan tâm. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát. Trên các tuyến đường trọng điểm, địa bàn “nóng” đều có các tổ tuần tra. Từng cán bộ chiến sĩ, tổ công tác được giao trách nhiệm cụ thể, gắn với phụ trách địa bàn. Đơn cử như địa bàn từ TP Bắc Giang đi huyện Hiệp Hòa có 5 tổ của Phòng CSGT, Công an TP Bắc Giang, huyện Việt Yên, huyện Hiệp Hòa, vì vậy người vi phạm khó có thể trốn tránh được tất cả các chốt kiểm soát từ các tổ.

Tất cả các trường hợp vi phạm đều bị xử lý. Thời gian tập trung vào các giờ cao điểm từ 11 đến 14 giờ; từ 18 giờ 30 phút đến 23 giờ. Hằng tuần, Phòng CSGT đều kiểm điểm về việc xử vi phạm nồng độ cồn đối với các tổ. Trong tất cả các vụ tai nạn và va chạm giao thông, người điều khiển phương tiện đều được kiểm tra nồng độ cồn. Đặc biệt, đối với đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm quy định về ATGT, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về nơi công tác, nơi cư trú để phối hợp xử lý.

Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh thông tin: "Lực lượng CSGT sẽ tập trung kiểm tra mạnh vào buổi trưa, tối, các ngày nghỉ, ngày lễ và các tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông đông như cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, tuyến quốc lộ 1, 31, 17, 37; tỉnh lộ 293... Ngoài ra, CSGT Công an 10 huyện, TP cũng triển khai các tổ công tác để kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm nói chung, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường do địa phương quản lý". Đối với các trường hợp người tham gia giao thông bỏ chạy, cố tình không chấp hành yêu cầu hay có hành vi chống đối CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử phạt theo mức cao nhất đối với hành vi này.
 

Theo Báo Bắc Giang

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp