Thứ sáu, 26/04/2024
(Thứ năm, 25/02/2021, 10:36 am GMT+7)

Mỗi chiến công của lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang đều có sự đóng góp quan trọng của những người chiến sĩ - thầy thuốc. Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, họ còn lo sức khỏe cho cả can phạm, phạm nhân; giám định pháp y giúp cơ quan điều tra làm rõ các vụ án mạng.

Lực lượng Công an tỉnh hiện có gần 40 thầy thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Được sự quan tâm của Ban Giám đốc, Bệnh xá Công an tỉnh (trực thuộc Phòng Hậu cần) hiện có hai cơ sở ở TP Bắc Giang (đường Cao Kỳ Vân, phường Trần Nguyên Hãn và đường Lê Lợi, phường Lê Lợi) với 15 bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên. Cơ sở vật chất cũng được đầu tư xây dựng đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu; khám tuyển sinh, tuyển nghĩa vụ công an; phục vụ huấn luyện.

Cán bộ Bệnh xá Công an tỉnh kiểm tra thân nhiệt cho các thanh niên thực hiện nghĩa vụ CAND.

Cán bộ Bệnh xá Công an tỉnh kiểm tra thân nhiệt cho các thanh niên thực hiện nghĩa vụ CAND.

Bên cạnh đó, Bệnh xá quan tâm làm tốt công tác dự phòng; phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19. Thiếu tá, bác sĩ Bùi Thế Nguyên, Trưởng Bệnh xá cho biết: "Cán bộ y tế vào ngành đều phải tham gia học các lớp về nghiệp vụ công an. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là chăm sóc sức khỏe cho CBCS và một bộ phận nhân dân (có thẻ bảo hiểm y tế)". 

Thời gian này, nhằm phòng, chống dịch Covid-19, tại các hội nghị, chương trình do Công an tỉnh tổ chức, Bệnh xá đều bố trí 2 tổ để thực hiện các nhiệm vụ; cán bộ y tế đều phải có mặt sớm trước ít nhất 30 phút chuẩn bị trang thiết bị, vật tư phục vụ. Bên cạnh đó còn được tăng cường thực hiện dẫn giải phạm nhân, bị can; phối hợp với các phòng nghiệp vụ đưa đối tượng xuất nhập cảnh trái phép trao trả; tiếp nhận đối tượng phạm tội từ Trung Quốc về Việt Nam.

Đại úy, bác sĩ Hoàng Đình Lục nhớ mãi lần đi dẫn giải đối tượng từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Đó là vào thời điểm cuối năm 2020, đối tượng quê ở huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) sinh năm 1993 bị truy nã toàn quốc về hành vi buôn bán ma túy. Trời rét căm căm mà hắn chỉ mặc mỗi quần đùi, áo cộc, run cầm cập, lại bị bắt truy nã nên đối tượng tỏ ra mất tinh thần, lo sợ. Bác sĩ Lục đã nhanh chóng mua một bộ quần áo ấm đưa cho, đồng thời động viên trấn an đối tượng rồi nhanh chóng cùng tổ công tác đưa về Khu cách ly y tế phòng, chống dịch Covid -19 của tỉnh để thực hiện cách ly theo quy định.

Sức khỏe phạm nhân được cán bộ y tế Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh kiểm tra thường xuyên.

Sức khỏe phạm nhân được cán bộ y tế Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh kiểm tra thường xuyên.

Cùng làm nghề y trong lực lượng công an tỉnh nhưng những thầy thuốc công tác ở Bệnh xá Trại tạm giam (trại Kế) không tránh khỏi những áp lực đặc thù của công việc. Hầu hết “bệnh nhân” của họ đều là can phạm, phạm nhân, khi vào đa số đều có tâm lý bất ổn, mặc cảm, tuyệt vọng, có khi lỳ lợm, chống đối. 

14 năm làm việc tại đây, Trung tá, bác sĩ Nguyễn Văn Triệu, Bệnh xá trưởng đã quen thuộc với đặc điểm, diễn biến tâm lý của từng nhóm khi hằng ngày anh và đồng nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với không ít người có lối sống buông thả ngoài xã hội, rối loạn nhân cách, ra tù, vào tội, phạm tội nhiều lần, nghiện ma túy, mắc tệ nạn xã hội, mang đủ loại bệnh tật mạn tính kèm theo như lao phổi, thậm chí nhiễm HIV. Khi tiếp nhận “bệnh nhân”, công việc đầu tiên của họ không phải bằng việc thăm khám, điều trị bằng thuốc mà là bằng tâm lý, tình cảm. 

“Vào đây họ vẫn được quyền chăm sóc sức khỏe, chỉ là hạn chế một số quyền công dân. Chúng tôi là thầy thuốc công an, mở đầu bao giờ cũng cùng với quản giáo làm công tác tư tưởng, tận tình hỏi thăm, tế nhị khai thác tiền sử, hoàn cảnh, lý do phải vào Trại để góp phần giải tỏa tâm lý cho những can phạm; giúp họ có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống”- Bác sĩ Triệu chia sẻ. 

Trong số những bệnh nhân có không ít người lười cải tạo, không hợp tác với bác sĩ, y tá, thậm chí chống đối, dọa nạt lây nhiễm; đang đêm còn viện cớ đau ốm để đòi hỏi yêu sách. Những trường hợp như thế cũng được các thầy thuốc khuyên giải.

Ám ảnh nhất là khi chăm sóc cho những phạm nhân bị kết án tử hình (Trại hiện có gần 30 phạm nhân bị kết án tử) hay tham gia áp tải đối tượng đi tiêm thuốc độc. Do những đối tượng này không còn gì để mất nên họ luôn tỏ ra bất cần, diễn biến tâm lý bất ổn. 

Khó khăn, áp lực, thậm chí là nguy hiểm nhưng không vì thế mà các y, bác sĩ ở đây chùn bước, thậm chí họ luôn phải cố gắng, nỗ lực để làm tròn chức trách, nhiệm vụ. Đó là vừa chăm sóc, vừa cảm hóa, giáo dục, hướng thiện để họ có đủ sức khỏe tiếp tục cải tạo, thi hành án và có cơ hội trở lại với gia đình và xã hội. Đồng thời làm công tác tư tưởng để những giây phút cuối cùng của cuộc đời phạm nhân bị tử hình cảm thấy ấm lòng.

Làm việc trong môi trường độc hại, áp lực, nguy hiểm không kém đó là đội ngũ bác sĩ pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự. Công việc của họ là sớm có mặt tại hiện trường để giám định, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường vụ án, giúp cơ quan điều tra tìm ra các chứng cứ, truy tìm hung thủ, đưa sự thật ra ánh sáng. Ngoài ra, bác sĩ pháp y mỗi năm còn tham gia hàng trăm ca giám định, xét nghiệm thương tích do tai nạn giao thông, đánh nhau... góp phần làm rõ các hành vi phạm tội.

Dù gian nan, vất vả, khó khăn, áp lực thế nào nhưng những cán bộ, chiến sĩ “quân y trong công an” vẫn luôn tự hào khi được khoác trên mình hai màu áo (màu áo công an và màu áo trắng của ngành y). Vinh dự gắn liền với trách nhiệm, họ luôn tận tâm, tận tụy, tâm huyết với nghề, giữ uy tín của người chiến sĩ công an nhân dân. 

Theo Báo Bắc Giang

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp