Thứ sáu, 19/04/2024
(Thứ ba, 10/03/2020, 01:19 pm GMT+7)

 

Trinh sát trẻ ở vùng cao

Tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2000, Trung tá Đỗ Quang Hợp nhận công tác tại Phòng Bảo vệ an ninh chính trị (Công an tỉnh). Nhiệm vụ của anh thời điểm ấy là nắm tình hình, tham mưu bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh vùng dân tộc miền núi tại địa bàn các huyện: Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế. Đối với một chiến sĩ trẻ vừa tốt nghiệp ra trường, công việc này khiến anh không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng.

Trung tá Đỗ Quang Hợp (ngoài cùng bên trái) trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp.

Trung tá Đỗ Quang Hợp (ngoài cùng bên trái) trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp.

Do đặc thù công việc, mỗi trinh sát phải độc lập bám sát địa bàn, tiếp cận làm quen, tạo lòng tin đối với người dân, đặc biệt là người có uy tín, già làng, trưởng bản. Với sức trẻ và được sự dẫn dắt, chỉ bảo tận tình của đồng nghiệp đi trước, Đỗ Quang Hợp luôn nỗ lực khắc phục khó khăn. Để gắn bó với nhân dân, anh thường xuyên thực hiện “ba cùng” với bà con. Từ một người xa lạ, anh dần trở thành người con của bản làng nơi đặt chân tới. Nhờ sự gắn bó, tin tưởng của người dân dành cho mình, Trung tá Hợp thường xuyên được bà con nhắc đến mỗi khi tại địa bàn có việc. 

Anh còn nhớ năm 2002, trong một lần về xã Canh Nậu (Yên Thế) gặp một phụ nữ dân tộc Nùng và được người này thông tin trong bản có hai gia đình xảy ra tranh chấp đất đồi dẫn đến xô xát. Một bên họ Nông dân tộc Nùng, một bên họ Triệu dân tộc Dao, sau khi nắm rõ nguyên nhân, anh nhận thấy cả hai gia đình trên đều rất kính trọng, nể phục người có uy tín của hai dòng họ nên đã vận động họ đứng ra phân tích những cái được, cái mất liên quan cho hai hộ nắm được. Sau buổi đó, các bên đều đồng ý giải hòa và cùng trưởng bản đến hiện trường xác định cắm ranh giới đất đai theo phương châm mỗi bên lùi một ít. Từ đó tình cảm hai bên gia đình, dòng họ trở nên gần gũi hơn.

Hơn 10 năm công tác tại Phòng Bảo vệ an ninh chính trị, Trung tá Đỗ Quang Hợp thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời báo cáo, đề xuất, tham mưu giải quyết hiệu quả nhiều vụ việc mâu thuẫn tranh chấp khiếu kiện, được lãnh đạo đánh giá cao.

Khéo giải quyết mâu thuẫn

Năm 2013, Trung tá Đỗ Quang Hợp được bổ nhiệm làm Phó đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Việt Yên). Xác định Việt Yên là địa bàn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh nông thôn với những vụ việc mâu thuẫn, khiếu kiện đông người kéo dài, nhất là từ khi hình thành các khu, cụm công nghiệp, anh Hợp đã tăng cường đi cơ sở, nắm chắc địa bàn. Mỗi năm, anh trực tiếp tham gia giải quyết từ 4-5 vụ việc. Trong 20 năm qua, có gần 100 vụ việc mâu thuẫn khiếu kiện Trung tá Hợp đã tham gia giải quyết. Để lại nhiều ấn tượng cũng như bài học kinh nghiệm nhất là vụ tranh chấp đất đai dài hơn 10 năm giữa gia đình bà Trần Thị Kim và ông Đỗ Văn Khắc ở xã Quảng Minh. 

Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân và kết quả giải quyết ban đầu của các cấp chính quyền nhưng bà Kim vẫn không đồng ý, Trung tá Hợp nhiều ngày tìm hiểu, thu thập tài liệu thông tin liên quan, từ đó xác định những kiến nghị của bà Kim là có căn cứ, cơ sở giải quyết. Gặp gỡ tiếp xúc nhiều lần, anh được gia đình bà Kim cung cấp nhiều tài liệu làm căn cứ để khẳng định quyền sở hữu diện tích đất đang tranh chấp là hợp pháp. Từ đó, anh báo cáo lãnh đạo đơn vị tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết thỏa đáng bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho bà. 

Bà Kim xúc động nhớ lại: “Ban đầu tôi cũng không tin tưởng và có phản ứng gay gắt với cán bộ khi tới làm việc, nhưng trước sự kiên trì và tận tình của anh Hợp đã khiến tôi có niềm tin và giao toàn bộ tài liệu quan trọng đó cho anh. Gia đình tôi là hộ nghèo, bản thân lại bị khuyết tật nên mảnh đất trên vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, tôi thật sự biết ơn cán bộ Hợp và Công an huyện đã giúp gia đình tôi chứng minh quyền lợi hợp pháp của mình”.

Tâm sự về nghề, Trung tá Đỗ Quang Hợp cho biết: Công tác trên lĩnh vực bảo đảm an ninh nông thôn, dân tộc, miền núi, điều cần nhất là sự say mê với công việc, gắn bó với cơ sở, gần gũi với nhân dân. Mọi hành động, việc làm đều xuất phát từ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của họ. Khi giải quyết, hãy đặt mình vào vị trí người dân đang có khiếu nại, vướng mắc để thấu hiểu và đồng cảm với họ. Có như vậy, người dân mới tin tưởng, tuân thủ pháp luật.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp