Thứ sáu, 29/03/2024
(Thứ sáu, 09/10/2020, 03:09 pm GMT+7)

 MỘT SỐ NỘI DUNG LỚN
Về dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

Thực hiện Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theosốđịnh danh cá nhâncập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã xây dựng Hồ sơ dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 05/2020). Đến nay, Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu thống nhất hướng tiếp thu, giải trình hầu hết ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật đã hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11/2020).
I. VỀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiếnđãđặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú; trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết với nhữnglýdo cụ thể sau đây:
Thứ nhất,bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân
Việc sửa đổi Luật Cư trú là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đếnquản lýcư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóagiấy tờ,giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Thứ hai,góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới
Trước yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/ĐUCA ngày 08/01/2018 về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân năm 2018 và những năm tiếp theo; Nghị quyết đã đặt ranhiệm vụ: Tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Thứ ba,thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theosố định danh cá nhâncập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cưthì việc thực hiện trình tự, thủ tụcđăng ký cư trú cho công dân cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với hình thức quản lý mới cũng như yêu cầu quản lý dân cư trong tình hình mới; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú cũng như tạo ra sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết thủ tục đăng ký cư trú giữa cơ quan nhà nước với người dân.
Thứ tư, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm ở đây là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Trong điều kiện nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hóa công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới. Trong khi đó, khoa học, công nghệ trong đăng ký, quản lý cư trú ở nước ta còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của công dân, chưa bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế; mặt khác, dữ liệu đăng ký, quản lý cư trú hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công; việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ về đăng ký, quản lý cư trú tuy có nhiều cố gắng cải tiến, sắp xếp hợp lý hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; do đó, cần quy định việc đăng ký, quản lý cư trú theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để vừa quản lý chặt chẽ dân cư, vừagóp phầnđơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho công dânvàtừng bước thực hiện Chính phủ điện tử.
II. VỀ NHỮNG NỘI DUNG LỚN TRONG XÂY DỰNG LUẬT
Sau kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV vừa qua, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) được chỉnh lý gồm 07 chương, 39 điều và có những nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) như sau:
Một là,dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin; cụ thể là quản lý cư trú bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ quan, tổ chức và công dân có thể khai thác, sử dụng để phục vụ giao dịch dân sự, giải quyết các thủ tục hành chính…
Dự thảo Luật đã bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, Sổ Hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, cấp cho cá nhân, giấy chuyển hộ khẩu; quyền được cấp, cấp lại, đổi Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú…
Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
Hai là,sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính
Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân; do vậy, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các thủ tục như: Cấp đổi, cấp lại Sổ Hộ khẩu; Cấp giấy chuyển hộ khẩu; Cấp đổi, cấp lại Sổ Tạm trú; Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú… đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số thủ tục như về tách Sổ Hộ khẩu (được xác định theo hướng đây là việc tách hộ gia đình), hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú, tạm trú trái pháp luật…
Bên cạnh đó, do sử dụng phương thức quản lý hiện đại này nên thời hạn giải quyết đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian. Nếu như hiện nay thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày thì theo dự thảo Luật sẽ tối đa là 07 ngày.
Ba là, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướngbỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (tức là, không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc). Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.
Bốn là,Ngoài các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú như hiện nay, xuất phát từ thực tiễn và để nâng cao hiệu quả quản lý về cư trú, nắm đúng thực tế số hộ, số người thường trú trên địa bàn, phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạch định, thực hiện chính sách an ninh xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người có liên quan, dự thảo Luật đã bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú:
(1) Người vắng mặt tại nơi thường trú trên 12 tháng liên tục trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác, đã khai báo tạm vắng hoặc xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư.
(2) Người đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôiquốc tịch Việt Nam;bị tước, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
(3) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở là do được thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa.
(4) Người đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, kê biên, tịch thu và người đã bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện khác là chỗ ở dùng để đăng ký thường trú bị xóa đăng ký thường trú sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện đó; trừ trường hợp được chủ sở hữu tài sản mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú.
Năm là,bổ sung quy định để quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú để bảo đảm quản lý tốt hơn đối với nhóm người này (đây là những người chưa đăng ký thường thường trú, tạm trú ở đâu như người di cư, sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú…). Việc bổ sung quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, giúp cơ quan nhà nước nắm được tình hình của những người này và hỗ trợ họ.
III. MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO LUẬT CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU
1. Về điều kiện đăng ký thường trú
Nội dung này Bộ Công an thống nhất theo đa số ý kiến của đại biểu là quy định điều kiện đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; tuy nhiên, cần quy định mức tối thiểu là không dưới 08 m2 sàn/người để bảo đảm điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì mục tiêu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người. Đến năm 2030, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 30m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người).
Các nội dung còn lại là giữ nguyên như dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thêm tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Tuy nhiên, Bộ Công an đề nghị không nên quy định tiêu chí này vì đây là quy định để hạn chế công dân đang sinh sống tại các thành phố trực thuộc trung ương được đăng ký thường trú vào các đô thị này của Luật Cư trú hiện hành; quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các công dân. Do vậy, không nên tiếp tục giữ quy định này và mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các tỉnh trong cả nước.
2. Về xóa đăng ký thường trú và xóa đăng ký tạm trú
Nội dung này Bộ Công an đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật do Chính phủ trình như ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội. Việc xóa đăng ký đối với trường hợp “công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên…” là để nâng caotrách nhiệm của công dân trong việc chấp hành pháp luật về cư trú; giúp chính quyền địa phương các cấp có thể hoạch định chính sách phát triển kinh tế được chính xác, sát với nhu cầu của người dân trong địa bàn quản lý, bố trí nguồn lực hợp lý cho các đối tượng thụ hưởng hợp pháp đang thực tế sinh sống trên địa bàn.
Việc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này không có nghĩa là xóa toàn bộ thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà tất cả thông tin của công dân trong 02 cơ sở dữ liệu này vẫn được lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng như bình thường. Việc xóa đăng ký thường trú của công dân còn được thể hiện trong cả hồ sơ lưu trữ của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú. Đối với những trường hợp bị xóa sẽ thể hiện rõ cả lý do bị xóa và thời điểm bị xóa ở trường thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Về thời hạn tạm trú, gia hạn tạm trú
Dự thảo Luật quy định về giải thích từ ngữ “nơi tạm trú”, điều kiện đăng ký tạm trú, hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú theo hướng công dân tạm trú không có thời hạn. Vấn đề này, Bộ Công anđề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định về thời hạn tạm trú và gia hạn tạm trú, bởi vì:
Một là,để phù hợp với đặc điểm, khái niệm trong giải thích từ ngữ về “nơi tạm trú” quy định tại Điều 2 dự thảo Luật là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơithường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Hai là,để phân biệt nơi tạm trú với nơi thường trú (là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài, không xác định thời hạn).
Ba là,kế thừa quy định còn phù hợp với thực tiễn của Luật Cư trú hiện hành (khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú hiện hành quy định Sổ tạm trú có thời hạn tối đa là 24 tháng, hết thời hạn tạm trú công dân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn).
Bốn là,để bảo đảm chặt chẽ trong công tác quản lý cư trú, nếu người đã đăng ký tạm trú mà không còn cư trú ở địa điểm đã đăng ký và không làm thủ tục gia hạn tạm trú thì sẽ bị xóa đăng ký tạm trú.
4. Về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp
Dự thảo Luật đưa ra 02 phương án: Phương  án 01 quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn tiếp tục được sử dụng đến hết ngày 31/12/2022; Phương án 02 quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Bộ Công an đề nghị chỉ để 01 phương án tại dự thảo Luật (Phương án 02) là như nội dung do Chính phủ trình Quốc hội (Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021; sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ được tiếp tục sử dụng để giải quyết các giao dịch, giấy tờ, tài liệu được xác lập trước ngày Luật có hiệu lực thi hành như quy định tại khoản 3 Điều 42 dự thảo Luật do Chính phủ trình), không có quy định chuyển tiếp là được sử dụng tiếp đến hết ngày 31/12/2022.

BAN BIÊN TẬP

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp